Viêm phế quản co thắt có triệu chứng dễ bị nhầm lẫn với bệnh hen suyễn nên gây khó khăn trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh. Các thông tin về bệnh viêm phế quản co thắt trong bài viết dưới đây của Bổ Phế Nam Hà sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh, nhận biết sớm để khám và điều trị kịp thời, tránh gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Mục lục
Viêm phế quản co thắt là bệnh gì?
Viêm phế quản co thắt là một thể bệnh của viêm phế quản, thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bệnh được đánh giá ở mức độ nguy hiểm, có thể gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Viêm phế quản co thắt hay còn gọi là viêm phế quản dạng hen. Bệnh thường gây ra bởi virus, vi khuẩn tấn công vào đường hô hấp, gây nên tình trạng thu hẹp lòng phế quản tạm thời, không khí lưu thông trong phổi kém do các cơ phế quản bị viêm tạo nên các cơn co thắt. Ống phế quản bị viêm sẽ làm tăng tiết dịch nhầy gây nên triệu chứng thở khò khè, thở rít, ho có đờm, một số bệnh nhân còn cảm thấy khó thở.
Viêm phế quản co thắt thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt trong thời điểm giao mùa đông xuân hoặc thu đông. Bệnh không phổ biến ở người lớn, tuy nhiên những đối tượng có tiền sử hút thuốc lá chủ động hay thụ động, tiền sử bị bệnh hen suyễn hoặc dị ứng sẽ có nguy cơ cao bị viêm phế quản co thắt.
Triệu chứng của viêm phế quản co thắt
6 triệu chứng thường gặp khi bị viêm phế quản co thắt
Viêm phế quản co thắt có triệu chứng gần giống với bệnh hen suyễn, do đó để chẩn đoán chính xác, người bệnh cần được bác sĩ chuyên khoa khám lâm sàng và chỉ định các xét nghiệm cần thiết. Tuy nhiên có một số triệu chứng thường gặp mà người bệnh cần lưu ý:
– Co thắt ngực, có thể kèm theo hõm trên xương ngực, lõm trên xương quai xanh, kẽ gian sườn và góc trên bụng sẽ lõm xuống rõ rệt khi hít vào, kèm theo âm cao rít lên như khi bị hen suyễn.
– Ho: Là một triệu chứng không đặc hiệu, nó thể hiện có tình trạng viêm ở đâu đó trên đường hô hấp, từ mũi họng xuống đến phổi. Ho do viêm phế quản co thắt có thể là ho khan hay ho đờm, có cơn hay ho từng tiếng, tình trạng ho dai dẳng liên tục trong nhiều ngày.
– Sốt: Sốt cao hoặc nhẹ hoặc không sốt, sốt cơn hoặc liên tục.
– Viêm long hô hấp trên: Sổ mũi, nghẹt mũi.
– Tiết đờm: Đờm là dịch tiết của đường hô hấp, là sản phẩm của phản ứng viêm. Đờm có thể có màu xanh, vàng hay trắng, màu đờm không giúp phân biệt viêm nhiễm này là do vi khuẩn hay virus.
– Khò khè: Là do lòng phế quản bị thu hẹp do phù nề thành phế quản, co thắt cơ trơn phế quản, đờm trong lòng phế quản… Tiếng khò khè được phát ra do không khí qua lại khe hẹp phát ra tiếng. Cần phân biệt với tiếng khụt khịt mũi do đang bị viêm mũi phát ra. Nếu nghẹt mũi thì thường xảy ra ban đêm, lúc nằm, tiếng khò khè phát ra gần ngay mũi miệng, vệ sinh sạch mũi đi thì bớt. Tiếng khò khè trong bệnh viêm phế quản khác với khò khè trong hen phế quản ở chỗ khò khè này không hoặc đáp ứng kém với thuốc khí dung (salbutamol).
– Thở nhanh – khó thở ít gặp đối với viêm phế quản thông thường. Nếu có thở nhanh – khó thở cần phân biệt với các bệnh lý khác nghiêm trọng hơn như: Viêm phổi, hen, dị vật đường thở…
Diễn tiến của bệnh viêm phế quản co thắt
Bệnh viêm phế quản co thắt có thể diễn tiến nặng hơn sau khoảng 2 – 3 ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng.
- Giai đoạn đầu: Người bệnh thường có triệu chứng mệt mỏi, người ớn lạnh hoặc sốt nhẹ kèm theo biểu hiện viêm long đường hô hấp trên như hắt hơi, sổ mũi, ho khan tương tự như bệnh cảm cúm thông thường.
- Giai đoạn viêm phế quản co thắt toàn phát: Sau khoảng 1- 2 ngày, người bệnh bắt đầu sốt cao hơn, ho đờm nhiều kèm theo triệu chứng co thắt lồng ngực, cổ họng nhiều đờm, thở khò khè, nhịp thở nhanh, hơi thở nông, thở rít, khó thở.
Nguyên nhân viêm phế quản co thắt
Bệnh viêm phế quản co thắt thường xuất hiện khi đường dẫn khí bị thu nhỏ dần khi đi sâu vào phổi do tình trạng viêm nhiễm gây nên. Bệnh chẳng trừ một ai nhưng xảy ra nhiều nhất ở những đối tượng là người già và trẻ em vì những đối tượng này có sức đề kháng, sự miễn dịch khá yếu.
Một vài nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm phế quản co thắt có thể kể đến chính là:
- Gia đình có tiền sử mắc bệnh hoặc cá nhân bị hen suyễn hoặc mẫn cảm với tác nhân dị ứng với những thứ như phấn hoa, nấm mốc, bụi, lông động vật hoặc phụ gia thực phẩm,…
- Đường hô hấp bị nhiễm trùng.
- Các chất kích thích đường hô hấp từ không khí như khói, ô nhiễm không khí, môi trường, không khí lạnh hoặc khô cũng là nguyên nhân gây co thắt phế quản.
- Hệ miễn dịch kém: Thay đổi thời tiết thất thường, nhất là thời điểm giao mùa dễ khiến người bệnh dễ bị viêm phế quản co thắt.
- Nhiễm virus, vi khuẩn: Khi sức đề kháng yếu đi, những loại virus, vi khuẩn thường xuyên kí sinh ở vùng mũi họng như virus hợp bào đường hô hấp, các loại vi khuẩn liên cầu, tụ cầu, H.influenzae,… hoạt động mạnh lên, độc tính tăng gấp bội gây viêm co thắt ở phế quản.
Ngoài các nguyên nhân chính kể trên, viêm phế quản co thắt còn có thể do tác dụng phụ từ các loại thuốc như thuốc kháng sinh, thuốc huyết áp, aspirin hoặc NSAID; do căng thẳng tâm lý hoặc rối loạn đường tiêu hóa.
Phác đồ điều trị bệnh viêm phế quản co thắt
Viêm phế quản co thắt là biến chứng nặng hơn của bệnh viêm phế quản, có thể điều trị dứt điểm nếu phát hiện sớm và tuân thủ theo phác đồ điều trị. Tùy theo tình trạng bệnh mà các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị bệnh viêm phế quản co thắt phù hợp.
Trong trường hợp bệnh nhẹ, chỉ cần sử dụng thuốc điều trị triệu chứng. Đối với người bệnh nặng, có biến chứng suy hô hấp sẽ cần phải nhập viện để điều trị.
Phác đồ điều trị bệnh viêm phế quản co thắt theo triệu chứng
Viêm phế quản co thắt ở người lớn do vi rút thì nói chung chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ có thể điều trị triệu chứng. Nếu có bằng chứng về nhiễm khuẩn, thì người bệnh được chỉ định dùng thuốc kháng sinh. Điều trị triệu chứng viêm phế quản co thắt tập trung vào các vấn đề:
- Sốt: Người bệnh bị sốt nhẹ, sẽ hạ sốt bằng cách chườm ấm và mặc quần áo thông thoáng; với trường hợp sốt trên 38,5 độ C sẽ dùng các loại thuốc hạ sốt Paracetamol, Efferalgan, Panadol… theo chỉ định.
- Ho: Ho khan nhiều, gây mất ngủ có thể cho các thuốc giảm ho. Nếu ho có đờm dùng thuốc long đờm.
- Khó thở dùng thuốc giãn phế quản tuy nhiên cần có chỉ định của bác sĩ.
- Uống nhiều nước, bù nước điện giải nếu có nguy cơ mất nước.
- Chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho cơ thể, giúp bệnh phục hồi tốt hơn.
Phác đồ điều trị bệnh viêm phế quản co thắt biến chứng suy hô hấp
Trong trường hợp nếu bệnh nhân có dấu hiệu suy hô hấp, khó thở, co rút lồng ngực, tím tái,… thì phải dùng máy thở oxy.
Phun khí dung các loại thuốc vừa có tác dụng giãn phế quản, vừa tác dụng long đờm và giúp người bệnh hô hấp dễ dàng hơn.
Ngoài ra, điều trị tăng sức đề kháng, tăng cường miễn dịch, cũng rất quan trọng, vừa giúp phòng bệnh vừa giúp hỗ trợ điều trị.
Phòng bệnh viêm phế quản co thắt
Bạn có thể ngăn ngừa tình trạng viêm phế quản co thắt bằng các biện pháp đơn giản sau:
- Làm nóng người từ 5-10 phút trước khi tập thể dục và làm mát người từ 5–10 phút sau khi tập
- Nếu bạn bị dị ứng phấn hoa, hãy đóng hết cửa sổ và cửa ra vào khi lượng phấn hoa trong không khí tăng cao
- Uống nhiều nước để làm lỏng chất nhầy tích tụ trong ngực
- Tập thể dục trong nhà vào những ngày trời lạnh. Che chắn mũi và miệng bằng khẩu trang hoặc khăn quàng khi ra ngoài
- Bỏ hút thuốc lá hoặc hạn chế tiếp xúc với môi trường có nhiều khói thuốc lá
- Người từ 65 tuổi trở lên, có hệ miễn dịch yếu hoặc đang mắc bệnh phổi mãn tính nên cân nhắc việc tiêm phòng các loại vắc-xin để ngăn ngừa phế cầu khuẩn và virus cúm.
Viêm phế quản co thắt sẽ được cải thiện nếu bạn kiểm soát tốt các nguyên nhân cơ bản gây ra nó. Do đó, khi có các dấu hiệu của tình trạng này, bạn nên đến bệnh viện để thăm khám và điều trị. Bác sĩ sẽ giúp bạn chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị bệnh phù hợp nhất.