Thời tiết thay đổi trẻ rất dễ bị mắc bệnh đường hô hấp, đặc biệt là ho khan. Tình trạng ho khan thường không nguy hiểm đến sức khỏe của bé. Tuy nhiên nếu để kéo dài, không có cách cải thiện về lâu dài có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Theo các chuyên gia Y tế, khi trẻ bị ho khan, cha mẹ không nên lạm dụng kháng sinh để trị ho mà có thể tham khảo một số cách trị ho khan cho bé tại nhà để cải thiện tình trạng cho bé.
Mục lục
1. Trẻ bị ho khan có nguy hiểm không?
Ho khan ở trẻ là tình trạng ho ít hoặc không kèm theo đờm nhầy, thường do bị nhiễm virus cảm cúm gây kích thích cổ họng. Ho khan là bệnh lý đường hô hấp thường gặp ở trẻ, đặc biệt là vào thời điểm giao mùa, trời trở lạnh.
Theo các chuyên gia Y tế, ho khan thường không gây ra những ảnh hưởng quá nghiêm trọng đến sức khỏe của bé, tuy nhiên nếu để tình trạng ho khan kéo dài sẽ khiến trẻ luôn cảm thấy mệt mỏi, ảnh hưởng đến sinh hoạt, giấc ngủ, gia tăng sự biếng ăn ở trẻ. Nghiêm trọng hơn, tình trạng ho khan kéo dài kèm theo một số dấu hiệu khác như sốt, quấy khóc nhiều, khó thở,… còn cảnh báo các bệnh lý nguy hiểm như viêm thanh quản, viêm xương chũm mãn tính,… khiến trẻ phải nhập viện.
Ho khan có thể tự khỏi sau khoảng 7 – 10 ngày, tuy nhiên nếu cha mẹ biết một số cách giúp cải thiện tình trạng này sớm hơn sẽ tốt cho sức khỏe của trẻ, hạn chế ảnh hưởng đến sinh hoạt của trẻ.
2. Cách trị ho khan cho bé
Nguyên nhân chính gây ho khan ở trẻ thường là do virus, nên không có thuốc đặc trị, đặc biệt thuốc kháng sinh không làm cho bé khỏe hơn mà đôi khi không sử dụng đúng còn gây nhiều tác dụng phụ cho bé.
Phần lớn các trường hợp ho khan thường không quá nặng, cha mẹ có thể tự chăm sóc và tìm một số phương pháp cải thiện triệu chứng cho bé tại nhà. Dưới đây là một số cách trị ho khan cho bé mà cha mẹ có thể tham khảo để cải thiện tình trạng này ở trẻ.
1.1. Cách trị ho khan cho bé bằng lá húng chanh và đường phèn
Theo một số nghiên cứu y học hiện đại đã phát hiện trong lá húng chanh rất giàu chứa tinh dầu cavaron có tác dụng trị ho, tiêu đờm, tiêu độc rất tốt. Các mẹ có thể áp dụng cách trị ho khan này cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, rất an toàn, lành tính và không gây tác dụng phụ.
Cách trị ho khan cho bé bằng lá húng chanh và đường phèn:
- Bước 1: Chuẩn bị khoảng 5 – 6 lá húng chanh, một muỗng đường phèn.
- Bước 2: Rửa sạch lá rồi giã dập cho vào chén và trộn đều với đường phèn.
- Bước 3: Hấp cách thủy khoảng 20 phút rồi tắt bếp, lấy nước cốt cho trẻ uống đều đặn 1 – 2 lần/ngày. Kiên trì dùng từ 4 – 5 ngày sẽ thấy tình trạng bệnh được cải thiện.
1.2. Cách trị ho khan cho bé bằng hẹ và đường phèn hoặc mật ong
Theo đông y, lá hẹ có tính ấm, vị cay, không độc, có tác dụng bổ khí và đặc biệt, trong hẹ còn có các hợp chất kháng sinh mạnh như allicin sẽ giúp ức chế và tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp. Vậy nên bài thuốc trị ho từ lá hẹ được rất nhiều mẹ tin dùng.
Cách trị ho khan cho bé bằng lá hẹ hấp đường phèn:
- Bước 1: Chuẩn bị 1 nắm lá hẹ, 1 muỗng đường phèn (với trẻ trên 1 tuổi có thể dùng mật ong).
- Bước 2: Rửa sạch lá hẹ, để ráo nước rồi cắt khúc nhỏ cho vào chén cùng đường phèn hoặc mật ong.
- Bước 3: Hấp cách thủy trong khoảng 10 phút, đẻ nguội rồi lấy nước cốt cho bé uống 2 lần/ ngày để trị ho khan rất tốt.
Lưu ý, trong cách trị ho khan cho bé này nếu cha mẹ sử dụng mật ong thay đường phèn, thì dùng để giảm ho cho trẻ từ 1 tuổi trở nên.
1.3. Cách trị ho khan cho bé bằng quả lê
Theo Đông y, quả lê có vị ngọt, tính mát, có tác dụng nhuận phế, thanh nhiệt, sinh tân dịch, tiêu đờm, tiêu độc, giảm ho hiệu quả. Theo Y học hiện đại, trong quả lê có chứa hàm lượng canxi, axit amin và các chất chống oxy hóa cao giúp tăng cường hệ miễn dịch, chữa lành các tổn thương trên vùng niêm mạc họng. Hàm lượng vitamin C và vitamin K trong quả lê giúp cải thiện tình trạng đau rát cổ họng, giảm ho hiệu quả.
Đặc biệt, lê là loại quả lành tính, có độ an toàn cao, ít gây kích ứng nên rất thích hợp dùng cho trẻ nhỏ (kể cả trẻ từ 6 tháng tuổi). Do đó mẹ có thể tận dụng để làm bài thuốc giảm ho cho trẻ.
Cách trị ho khan cho bé bằng quả lê:
- Chuẩn bị: 1 quả lê, 2 thìa cafe đường phèn.
- Lê đem rửa sạch, ngâm với nước muối pha loãng khoảng 5 phút rồi vớt ra để ráo nước.
- Cắt 1 khoanh tròn gần cuống (khoảng 1/5 quả lê) để làm nắp, sau đó khoét phần lõi và hạt lê tạo thành khoảng rỗng bên trong. Cho đường phèn vào trong quả lê rồi đậy nắp lại.
- Đem lê đi hấp cách thủy khoảng 15 phút cho đến khi lê chín mềm thì tắt bếp.
- Để nguội sau đó chắt lấy phần nước cho bé uống. Với bé trên 1 tuổi, có thể cho ăn cả phần ruột lê bên trong.
Khi bé bị ho khan, cha mẹ nên hấp cho bé 1 quả lê, chia đều uống 3 lần trong ngày. Uống liên tục 3 – 5 ngày sẽ thấy triệu chứng ho khan giảm hẳn.
1.4. Tăng cường sức đề kháng cho bé
Bên cạnh các cách trị ho khan cho bé kể trên, cha mẹ đừng quên bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, cho bé vận động nhẹ nhàng để tăng cường sức đề kháng, giúp trẻ có kháng thể tự nhiên loại bỏ các tác nhân gây ho khan.
- Khi trẻ bị ho khan, bé sẽ có thể sẽ biếng ăn hơn, cha mẹ nên cho bé ăn các loại thức ăn dạng lỏng, dễ nuốt như cháo, súp.
- Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ trong thực đơn hàng ngày. Có thể chia nhỏ các bữa ăn để trẻ ăn được nhiều hơn.
- Cho bé uống nhiều nước, đặc biệt là nước ấm để giảm cảm giác khó chịu ở họng, hỗ trợ làm dịu các cơn ho khan ở trẻ.
- Cho bé vận động nhẹ nhàng, tạo môi trường trong lành cho bé.
Ho khan ở trẻ không phải là tình trạng quá nghiêm trọng. Tuy nhiên cha mẹ cũng không nên chủ quan, để tình trạng kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Các cách trị ho khan cho bé trên đây chỉ mang tính chất tham khảo và có tác dụng hỗ trợ giảm ho cho trẻ. Khi bé bị ho khan cha mẹ nên đưa con đi khám để được chẩn đoán và điều trị.
Thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo, bệnh nhân cần đến khám và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc hoặc bất cứ phương pháp điều trị nào.