Cảm cúm và cảm lạnh có một số triệu chứng tương đồng, do đó nhiều người thường nhầm lẫn và nghĩ hai bệnh là một. Trên thực tế cảm cúm và cảm lạnh là hai bệnh lý hoàn toàn khác nhau. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thêm kiến thức để phân biệt 2 loại bệnh này, giúp bạn “bắt đúng bệnh, trị đúng chứng”.
Mục lục
Cách nhận biết, phân biệt cảm cúm và cảm lạnh
Cảm cúm và cảm lạnh là bệnh lý hô hấp thường gặp, đặc biệt khi giao mùa. Nếu chỉ nhìn vào triệu chứng thì sẽ rất khó để phân biệt được chúng ta đang mắc bệnh nào. Tuy nhiên, thông thường các triệu chứng khi bị cảm cúm sẽ nặng hơn, kéo dài và thường đi kèm với đau nhức mỏi người, sốt. Triệu chứng ở người bị cảm lạnh thường ngắn hơn, có thể sốt nhẹ.
Cảm cúm và dấu hiệu của bệnh cảm cúm
Cảm cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây qua đường hô hấp và nó thường là bệnh theo mùa. Mùa cảm cúm thường kéo dài từ mùa thu đến mùa xuân và nhiều nhất là vào thời điểm mùa đông.
Triệu chứng điển hình khi bị cảm cúm thường là:
- Khô rát cổ họng, viêm họng, ho, nghẹt mũi, chảy nước mũi.
- Lúc đầu sẽ cảm thấy người ớn lạnh, sau đó bị sốt từ vừa đến cao. Ở trẻ nhỏ sốt có thể kéo dài 3 – 4 ngày.
- Đau đầu, nhức mỏi cơ, nhức mỏi toàn thân, mệt mỏi trên 2 tuần.
- Ngoài ra, người bệnh còn có thể thấy buồn nôn và nôn, nhất là ở trẻ em.
Cảm cúm do virus cúm gây ra và có ba loại virus cúm là A, B và C. Trong đó, virus cúm A và C gây cúm ở cả người và nhiều động vật, còn loại B chỉ nhiễm riêng ở người.
Bệnh cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có tốc độ lây lan khá nhanh qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc do hít phải không khí có chứa virus gây cúm. Thậm chí nếu không được kiểm soát, phòng ngừa và điều trị kịp thời, nhiều chủng virus cúm còn có thể gây nên đại dịch, một số chủng có độc tính cao sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm phế quản. Đặc biệt là ở các đối tượng như: trẻ nhỏ, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người có hệ miễn dịch yếu.
Cảm lạnh và dấu hiệu của bệnh cảm lạnh
Bệnh cảm lạnh là một loại nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus gây ra, xảy ra ở mọi thời điểm trong năm, nhưng nhiều nhất là khi thời tiết trở lạnh. Cũng giống như cảm cúm thì bệnh cảm lạnh cũng có tính chất lây lan khi người khỏe mạnh tiếp xúc gần với người bệnh.
So với cảm cúm thì triệu chứng của cảm lạnh thường sẽ nhẹ hơn và bệnh không gây ra biến chứng nguy hiểm. Khi bị cảm lạnh, người bệnh sẽ xuất hiện những triệu chứng như:
- Khi bị cảm lạnh, người bệnh thường có cảm giác ớn lạnh, thân nhiệt không tăng nhiều, có thể cảm thấy hơi ngấy sốt chứ thường không sốt cao.
- Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, ho, hắt hơi, viêm họng, nhức đầu, cơ thể mệt mỏi, đau cơ nhẹ.
- Các triệu chứng của cảm lạnh thường biểu hiện từ từ và sẽ tự hết trong vòng 5 đến 7 ngày nếu người bệnh được nghỉ ngơi, bổ sung chất dinh dưỡng đầy đủ.
Bảng so sánh dấu hiệu phân biệt cảm cúm và cảm lạnh
Triệu chứng | Cảm lạnh | Cảm cúm |
Sốt và ớn lạnh | Ít gặp hoặc sốt nhẹ ở trẻ nhỏ. | Sốt từ vừa đến cao (39 – 40 độ C) |
Đau đầu | Ít khi bị nhức đầu | Thường gặp |
Đau cơ | Ít gặp, nếu có thì chỉ bị đau nhức nhẹ | Các cơ đau nhức nhiều ngày |
Ho/đau họng | Đau họng thường xuất hiện đầu tiên và biến mất sau khoảng 1 – 2 ngày. Sau đó bị ho nhẹ vào ngày 4,5. | Ho nhiều, thường là ho khan |
Mệt mỏi người | Đôi khi có mệt mỏi nhưng thường sẽ nhanh hết | Triệu chứng mệt mỏi có thể kéo dài 2 – 3 tuần. |
Nghẹt mũi, chảy mũi | Thường gặp | Thường gặp |
Hắt hơi | Thường gặp | Thỉnh thoảng |
Tiêu chảy | Ít gặp | Thỉnh thoảng, thường gặp ở trẻ em |
Diễn tiến bệnh | Thời gian trung bình của 1 đợt cảm lạnh từ 7 – 10 ngày. Triệu chứng ho sẽ thường kéo dài lâu hơn. | Bệnh diễn biến nhanh, các triệu chứng sẽ thuyên giảm sau khoảng 5 – 7 ngày, tuy nhiên bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu trở nặng. |
Biện pháp giúp phòng ngừa bệnh cảm cúm và cảm lạnh
Cảm cúm và cảm lạnh đều không có thuốc chữa đặc hiệu mà chủ yếu là điều trị triệu chứng và nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Biện pháp để phòng ngừa cảm cúm và cảm lạnh tốt nhất là:
- Vì cảm cúm, cảm lạnh đều có tính lây truyền nên bạn cần lưu ý giữ khoảng cách, hạn chế tiếp xúc với người bệnh để tránh bị lây nhiễm. Không dùng dung vật dụng, đồ đạc với người bệnh như khăn mặt, bát đũa…
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và tránh chạm tay vào mũi, mắt và miệng sau khi tiếp xúc với người bị bệnh.
- Chú ý giữ ấm cho cơ thể trong điều kiện thời tiết mùa đông, tránh đến những nơi có nhiều gió lạnh.
- Duy trì lối sống lành mạnh bằng việc thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, ăn những thức ăn lành mạnh với nhiều rau xanh, trái cây, giữ tinh thần thoải mái… Điều này sẽ giúp cơ thể nâng cao hệ thống miễn dịch, tăng sức đề kháng giúp cơ thể luôn khỏe mạnh, chống lại tác nhân gây bệnh.
- Đặc biệt, mỗi người cần chú ý thực hiện việc tiêm phòng cúm theo lịch đầy đủ vì đây là cách tốt nhất để ngăn ngừa cúm.
Với những thông tin bài viết cung cấp sẽ giúp cho các bạn có thể dễ dàng hơn trong việc phân biệt được hai bệnh cảm cúm và cảm lạnh. Như vậy thì chúng ta sẽ có phương hướng điều trị chính xác hơn và giúp cơ thể nhanh khỏi bệnh, bảo vệ sức khỏe toàn diện.