Gừng có vị cay, tính ấm, thành phần có chứa các chất chống oxy hóa có tác dụng hóa đàm chỉ ho nên rất tốt khi bị cảm cúm, ho khan, ho có đờm, ho gió,…Chữa ho bằng gừng là cách làm đã được sử dụng từ rất lâu, cho hiệu quả tốt. Dưới đây là 5+ cách trị ho bằng gừng được nhiều người áp dụng nhất.
Mục lục
1. Chữa ho bằng gừng có tác dụng gì?
Gừng là gia vị gần như không thể thiếu trong mỗi căn bếp Việt có tác dụng khử mùi, tăng thêm mùi vị cho các món ăn. Bên cạnh đó, gừng cũng được sử dụng rất nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh về đường tiêu hóa, chữa ho lâu ngày không khỏi ở người lớn và trẻ em và các bệnh liên quan đến đường hô hấp.
1.1. Công dụng chữa ho bằng gừng theo Đông y
Trong Đông y, gừng có vị cay, tính ôn ấm có tác dụng làm ấm phế, tán phong hàn, hóa đàm chỉ ho nên rất tốt trong các trường hợp điều trị ho, viêm dây thanh quản, viêm phế quản, viêm họng, giữ ấm cơ thể giải cảm.
Trong nhiều tài liệu Y học Đông y cũng viết vì gừng có tính ấm, vị cay nên sẽ thúc đẩy nhanh quá trình làm lành vết thương, giảm ngứa rát cổ họng, làm ấm họng, cải thiện tình trạng sưng viêm và các triệu chứng khó chịu do bệnh ho gây ra.
Tham khảo thêm một số cách chữa ho khác:
1.2. Công dụng chữa ho bằng gừng theo Y học hiện đại
Theo Y học hiện đại, gừng giống như một loại kháng sinh tự nhiên có tác dụng điều trị các triệu chứng ho, cảm lạnh, giảm đau rát cổ họng, tăng cường sức đề kháng. Đặc biệt hơn trong củ gừng còn chứa nhiều hoạt chất có khả năng cải thiện triệu chứng của các bệnh liên quan đến viêm nhiễm như viêm họng, viêm amidan, viêm dây thanh quản,…
- Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng một củ gừng có chứa hàm lượng tinh dầu rất cao. Bên trong tinh dầu chứa các hoạt chất Phellandrene, Borneol, Zingiberol, Chavicol, Capsaicin, Nonanal, citral, Zingiberene, Methyl heptenone,… không chỉ giúp giảm nhanh cảm giác ngứa rát cổ họng, giảm các cơn ho, tăng cường tuần hoàn dịch tiết mà còn giúp nâng cao sức đề kháng, cải thiện chức năng của hệ miễn dịch, phòng ngừa các bệnh về đường hô hấp tái phát.
- Hoạt chất Gingerol, Shogaol, 6-gingerol có trong củ gừng có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, ức chế virus xâm nhập vào hệ hô hấp. Đặc biệt là virus RSV – nguyên nhân hàng đầu gây các bệnh lý hô hấp, phổ biến ở trẻ nhỏ.
- Trong củ gừng còn chứa Diphenyl heptan, Paratradol có tác dụng ức chế sự phát triển và tiêu diệt các tế bào ung thư nên rất tốt cho người bệnh ung thư, giúp người bệnh mau chóng hồi phục sức khỏe.
2. Top 6 cách chữa ho bằng gừng hiệu quả nhất
Gừng được sử dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh, đặc biệt là chữa ho, viêm họng ở cả người lớn và trẻ em. Người bệnh có thể chữa ho bằng gừng kết hợp với nhiều loại dược liệu khác để tăng khả năng điều trị ho, đau rát cổ họng,…
2.1. Cách chữa ho bằng trà gừng
Sử dụng trà gừng để chữa ho, giảm triệu chứng đau rát cổ họng là cách làm đơn giản, dễ dàng thực hiện và rất an toàn, không gây tác dụng phụ. Bên cạnh đó, trà gừng còn giúp cải thiện hệ tiêu hóa, giảm triệu chứng đầy bụng, giảm cảm giác buồn nôn, giúp người bệnh ăn ngon miệng hơn.
Cách làm trà gừng chữa ho:
- Chuẩn bị nguyên liệu: 1 củ gừng tươi, nửa quả chanh tươi, 20g mật ong nguyên chất, 5 lá bạc hà, 300ml nước đun sôi.
- Bước 1: Gừng và lá bạc hà đem đi rửa sạch, cạo sạch phần vỏ gừng bên ngoài rồi thái thành từng lát mỏng, đập dập. Chanh vắt lấy nước cốt.
- Bước 2: Cho gừng và lá bạc hà vào ấm nhỏ, rót thêm 300ml nước đun sôi vào đậy nắp ấm rồi chờ khoảng 20 phút cho ngấm.
- Bước 3: Sau khoảng 20 phút, khi trà gừng đã ngấm, cho nước cốt chanh, mật ong vào ấm và lắc đều rồi rót ra cốc uống ngay khi còn ấm.
Khi bị ho, người bệnh nên uống trà gừng ấm mỗi ngày vào buổi sáng, uống liền trong 4 – 5 ngày sẽ thấy triệu chứng ho cải thiện đáng kể.
2.2. Cách chữa ho bằng gừng chưng đường phèn
Trong Đông y, đường phèn có vị ngọt thanh, có tác dụng bổ trung ích khí, hòa vị nhuận phế rất tốt để làm dịu các cơn ho, giảm đau rát cổ họng, khắc phục tình trạng viêm nhiễm đường hô hấp. Khi kết hợp chung đường phèn với gừng sẽ làm tăng tác dụng chữa ho, làm ấm họng, ấm bụng.
Cách chữa ho bằng gừng chưng đường phèn chữa ho:
- Chuẩn bị nguyên liệu: 1 củ gừng nhỏ, đường phèn, 1 bát sứ nhỏ.
- Bước 1: Gừng đem cạo vỏ, rửa sạch rồi thái thành từng lát mỏng.
- Bước 2: Xếp gừng và đường phèn vào bát rồi cho vào nồi hấp cách thủy khoảng 15 phút.
- Bước 3: Sau khi hấp chín, đường phèn tan hết thì chắt lấy phần nước, uống khi còn ấm ngày 2 – 3 lần, nên uống vào ban ngày. Miếng gừng đã hấp chín ngậm mỗi khi bị ho.
Người bị ho sử dụng nước gừng chưng đường phèn liên tục từ 2 – 3 ngày sẽ nhận thấy triệu chứng ho giảm rõ rệt. Cách chữa ho bằng gừng chưng đường phèn có thể sử dụng được cho trẻ em và người lớn tuy nhiên với trẻ em nên uống ngày 1 lần vào buổi sáng, mỗi lần uống 1 lượng nhỏ để tránh bị nóng trong.
2.3. Cách chữa ho bằng gừng và muối
Muối được biết đến là có khả năng sát khuẩn, kháng viêm rất tốt, giúp giảm nhanh các triệu chứng đau rát cổ họng, sưng họng. Bình thường khi bị ho, chỉ cần súc họng thường xuyên bằng nước muối ấm cũng sẽ giúp cải thiện triệu chứng ho và các triệu chứng khác liên quan đến đường hô hấp. Tuy nhiên nếu như chữa ho bằng gừng kết hợp với muối sẽ giúp tăng tác động đến khả năng chữa ho, ức chế sự phát triển của vi khuẩn xâm nhập vào đường hô hấp, giảm viêm nhiễm hiệu quả. Người bị bệnh ho có thể áp dụng 1 trong 3 cách cách chữa ho bằng gừng và muối sau:
Cách đơn giản nhất là mỗi buổi sáng sau khi ngủ dậy, người bệnh có thể cho trực tiếp vài lát gừng và 1 ít muối hột vào miệng, ngậm từ 3 – 5 phút, nuốt phần nước sau đó nhả bã. Ngậm liên tục từ 3 – 5 ngày để giảm ho.
Ngoài ra, người bệnh có thể làm nước muối gừng để uống khi bị ho.
- Chuẩn bị nguyên liệu: 1 củ gừng tươi nhỏ, muối hạt, 400ml nước lọc.
- Bước 1: Gừng cạo sạch vỏ, rửa sạch rồi thái thành từng lát mỏng.
- Bước 2: Cho gừng và 1 ít muối hạt và 400ml nước lọc vào nồi, đun sôi nhỏ lửa cho đến khi nước cạn còn 1 nửa thì tắt bếp.
- Bước 3: Đợi nước còn ấm thì chắt lấy nước, uống ngày 2 lần.
Chữa ho bằng gừng và muối không thích hợp để dùng cho trẻ nhỏ vì có thể gây nóng trong. Người lớn chỉ nên uống khoảng 3 – 5 ngày sau đó dừng tránh lạm dụng sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
2.4. Cách chữa ho bằng gừng ngâm mật ong
Mật ong được xem như một loại kháng sinh tự nhiên có khả năng kháng khuẩn, kháng viêm, cải thiện tình trạng nóng rát, sưng tấy cổ họng rất hiệu quả. Khi kết hợp gừng với mật ong sẽ giúp nâng cao khả năng làm dịu các cơn ho, giảm cảm giác ngứa rát cổ họng, giảm ngứa rát cổ họng. Bên cạnh đó, gừng mật ong còn giúp nâng cao sức đề kháng, tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể giúp người bệnh nhanh phục hồi sức khỏe, phòng ngừa ho tái phát.
Cách chữa ho bằng gừng ngâm mật ong trị ho
- Chuẩn bị nguyên liệu: 5 củ gừng tươi, mật ong nguyên chất, hũ thủy tinh có nắp.
- Bước 1: Gừng cạo sơ qua lớp vỏ, rửa sạch sau đó thái thành từng lát mỏng, phơi ngoài trời cho hơi se mặt.
- Bước 2: Xếp gừng vào hũ thủy tinh sau đó cho mật ong vào ngập gừng. Đậy kín nắp ngâm khoảng 3 tuần cho đến khi miếng gừng quắt lại là có thể dùng được. Nếu như muốn làm để sử dụng luôn thì nên để gừng tươi, thái lát rồi đập dập sau đó ngâm với mật ong khoảng 1 tuần là dùng được. Trong quá trình ngâm, nếu thấy hiện tượng nổi bọt thì chỉ cần lấy thìa nhỏ vớt bọt rồi đậy nắp ngâm tiếp.
Khi bị ho, người bệnh lấy từ 1 – 2 thìa siro gừng ngâm mật ong pha với 1 ly nước ấm, uống vào mỗi buổi sáng khoảng 3 – 5 ngày sẽ thấy hiệu quả. Lưu ý, không sử dụng siro gừng ngâm mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi.
2.5. Cách chữa ho bằng gừng, chanh tươi và lá me
Nước gừng, chanh tươi và lá me rất tốt cho những người đang bị ho, cảm lạnh, đau rát cổ họng, viêm họng. Chanh tươi có vị chua, tính mát, vỏ chanh có chứa nhiều tinh dầu, ruột có chứa các hoạt chất kháng viêm, kháng khuẩn rất tốt. Khi kết hợp với gừng và lá me làm siro ho giúp làm ấm đường hô hấp, dịu nhanh các cơn ho.
Cách làm siro gừng, chanh tươi và lá me trị ho:
- Chuẩn bị nguyên liệu: 1 củ gừng, 1 nắm lá me, 3 quả chanh tươi, 500ml nước lọc.
- Bước 1: Rửa sạch lá me, gừng (nên cạo sạch lớp vỏ bên ngoài) rồi xắt lát mỏng củ gừng. Chanh cắt đôi, vắt lấy nước cốt.
- Bước 2: Xếp gừng đã thái lát, lá me trải đều vào nồi sau đó đổ nước lọc đun lửa nhỏ khoảng 30 phút cho đến khi nước trong nồi còn 1 nửa thì tắt bếp.
- Bước 3: Khi nước còn ấm cho thêm nước cốt chanh vào khuấy đều và uống ngay. Có thể cho thêm 1 chút đường cho dễ uống.
Khi bị ho, người bệnh uống nước gừng, chanh tươi, lá me ngày 1 lần vào buổi sáng sau khi ngủ dậy, uống khoảng 5 ngày liên tục.
2.6. Cách chữa ho bằng gừng, lê cho trẻ nhỏ
Nếu như nhà bạn có trẻ nhỏ bị ho do thay đổi thời tiết, ho do cảm lạnh,… thì hãy áp dụng ngay bài thuốc chữa ho bằng gừng và lê.
- Chuẩn bị nguyên liệu: 1 quả lê, 2 – 3 lát gừng tươi, đường phèn
- Bước 1: Gừng cạo vỏ, rửa sạch, thái sợi nhỏ; lê rửa sạch gọt bỏ vỏ, thái miếng vừa ăn.
- Bước 2: Cho lê, gừng và 1 chút đường phèn vào bát sứ, hấp cách thủy khoảng 20 phút cho lê chín mềm để nguội chắt lấy nước để dùng.
Khi bé bị ho, mỗi lần cho bé uống 3 – 5ml siro lê, gừng, đường phèn, ngày uống 2 lần sáng tối. Nếu bé lớn, có thể ăn được thì cho bé ăn lê đã hấp chín để làm tăng hiệu quả.
3. Những lưu ý khi chữa ho bằng gừng
Sử dụng gừng để chữa ho rất hiệu quả khi bị ho do thay đổi thời tiết, ho cảm, ho gió, ho khan, ho có đờm, đau rát cổ họng, viêm họng tuy nhiên cũng cần phải lưu ý đến một số điểm sau:
- Các bài thuốc chữa ho bằng gừng chỉ phù hợp với những người mới bị ho, tình trạng bệnh nhẹ. Nếu bị ho liên tục kéo dài nhiều ngày, kèm theo các triệu chứng khác như sốt, đau đầu, nôn thì cần đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.
- Gừng có vị cay, tính nóng nên khi sử dụng cho trẻ nhỏ cần nên dùng với liều lượng nhỏ, có thể pha loãng với nước ấm. Tuyệt đối không sử dụng gừng và mật ong cho trẻ nhỏ dưới 1 tuổi.
- Không dùng gừng để chữa ho cho người đang bị bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng, sỏi mật, người bị huyết áp cao, tiểu đường, người mắc bệnh tim mạch và những người đang dùng các loại thuốc như Aspirin, Coumarin.
- Phụ nữ có thai cần hạn chế áp dụng cách chữa ho bằng gừng, nếu dùng thì nên dùng với lượng nhỏ, không nên quá lạm dụng vì có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé.
- Khi bị ho, người bệnh cũng cần có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, thường xuyên súc họng bằng nước muối ấm để giảm viêm, loại bỏ vi khuẩn.
Cách chữa ho bằng gừng trên đây chỉ mang tính chất tham khảo, tính hiệu quả còn phụ thuộc vào cơ địa và từng tình trạng bệnh. Khi bị ho liên tục, ho kèm theo các triệu chứng như sốt, nôn, đau đầu,… ho do nhiễm trùng đường hô hấp, người bệnh cần đi thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.