Viêm phế quản là bệnh lý đường hô hấp dưới rất hay gặp, đặc biệt là vào thời điểm giao mùa. Bệnh viêm phế quản nếu không được điều trị kịp thời có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe. Việc hiểu biết đúng về bệnh sẽ giúp chúng ta phòng và chữa bệnh hiệu quả hơn. Hãy cùng tìm hiểu thông tin về bệnh viêm phế quản trong bài viết dưới đây.
Mục lục
Tổng quan về bệnh viêm phế quản
Viêm phế quản là gì?
Viêm phế quản là tình trạng viêm niêm mạc ống phế quản làm suy giảm chức năng của hệ hô hấp. Niêm mạc ống phế quản bị viêm khiến thành phế quản sưng phồng lên, các chất nhầy sẽ tiết ra nhiều hơn so với bình thường làm bít tắc phế quản. Cơ thể của bạn phải cố gắng đẩy lượng chất nhầy thừa này ra bằng cách ho, có thể là ho khan, ho có đờm. Khi mắc viêm phế quản, ngoài triệu chứng ho, người bệnh còn bị thở khò khè, khó thở, sốt, mệt mỏi…
Theo thống kê từ các tổ chức y tế, viêm phế quản là bệnh lý đường hô hấp có tỷ lệ mắc rất cao tại Việt Nam. Hầu như bất cứ người nào cũng đều một hoặc hơn một lần bị mắc hội chứng viêm phế quản, nhất là ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và người già còn bị tái đi tái lại nhiều lần.
Viêm phế quản phổ biến hơn vào mùa đông và thường xuất hiện sau khi bị cảm lạnh thông thường, đau họng hoặc cảm cúm.
Phân loại bệnh viêm phế quản
Viêm phế quản phân thành 2 loại bao gồm cấp tính và mãn tính:
- Viêm phế quản cấp tính: Là tình trạng niêm mạc phế quản bị viêm nhiễm tạm thời gây nên tình trạng ho và có đờm ở cổ. Bệnh thường do virus và vi khuẩn gây ra, các triệu chứng sẽ cải thiện trong khoảng 7 – 10 ngày điều trị.
- Viêm phế quản mãn tính: Là tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn so với tình trạng cấp tính, xảy ra khi viêm phế quản cấp tính không được điều trị dứt điểm, tái phát nhiều lần. Ở giai đoạn mãn tính, niêm mạc ống phế quản bị kích thích liên tục trong thời gian dài dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính.
Dấu hiệu viêm phế quản
Khi bị bệnh viêm phế quản, người bệnh thường có các dấu hiệu điển hình dưới đây:
- Ho: Người bệnh viêm phế quản thường bị ho khan, ho có đờm hoặc ho thành từng tiếng, cơn ho tăng dần. Nếu ở giai đoạn cấp tính, triệu chứng ho thường kéo dài khoảng 3 tuần, tuy nhiên ở giai đoạn mãn tính, người bệnh có thể bị ho liên tục hàng ngày tới vài tháng.
- Sốt: Khi bị viêm phế quản, người bệnh thường có biểu hiện từ sốt từ 39-40 độ C, sốt thành từng cơn hoặc cũng có trường hợp bị sốt liên tục kéo dài trong khoảng 1-2 ngày đầu.
- Thở khò khè: Một số trường hợp người bệnh bị viêm ống phế quản, thành phế quản sẽ bị phù nề khiến lòng phế quản bị thu hẹp hơn khi đó không khí đi qua khe hẹp ở phế quản sẽ gây ra tiếng thở khò khè, thở rít. Tiếng thở khò khè này cũng có thể nhầm lẫn với người đang bị bệnh hen suyễn, tuy nhiên nếu dùng thuốc khí dung thì sẽ không đáp ứng hoặc đáp ứng kém so với người bị hen suyễn.
- Ngoài ra người bệnh còn thấy xuất hiện các dấu hiệu viêm phế quản tương tự triệu chứng của bệnh cảm lạnh bao gồm: Đau họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, mệt mỏi, đau nhức mỏi người, đau đầu, khó thở. Các triệu chứng này thường sẽ cải thiện sau khoảng 7 ngày.
Viêm phế quản có các triệu chứng đặc trưng, tuy nhiên các triệu chứng này cũng có thể là biểu hiện của một số bệnh lý đường hô hấp khác. Do đó, nếu thấy bị ho dai dẳng lâu ngày không khỏi, kèm theo một số dấu hiệu viêm phế quản khác như sốt, thở khò khè,… bạn nên đi khám để được chẩn đoán chính xác bệnh và đưa ra hướng điều trị phù hợp.
Nguyên nhân viêm phế quản
Bệnh viêm phế quản gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau như do bị nhiễm virus, vi khuẩn gây bệnh, do có tiền sử mắc các bệnh đường hô hấp khác như viêm amidan, viêm phổi,…, do khói thuốc lá,… Ngoài ra một số yếu tố nguy cơ cao cũng có thể dẫn đến viêm phế quản.
Nguyên nhân chính gây bệnh viêm phế quản
Thông thường, nguyên nhân chính gây bệnh viêm phế quản là do virus, điển hình là loại virus gây cảm lạnh và cảm cúm. Bên cạnh đó nhiều trường hợp bị viêm phế quản là do một số loại vi khuẩn gây ra, hoặc do cả virus và vi khuẩn.
Ngoài ra còn có một số nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản khác bao gồm:
- Hút thuốc lá hoặc thường xuyên ở gần nguồn khói thuốc lá.
- Sinh sống trong môi trường ô nhiễm không khí, nhiều khói bụi.
- Bệnh viêm phế quản mãn tính còn do viêm phế quản cấp không được điều trị dứt điểm, tái đi tái lại nhiều lần gây kích thích ở phế quản.
Các yếu tố nguy cơ có thể gây bệnh viêm phế quản
Ngoài những nguyên nhân chính kể trên, người bệnh bị viêm phế quản có thể do một số yếu tố nguy cơ sau:
- Sức đề kháng kém: Khi hệ miễn dịch của cơ thể bị yếu đi sẽ tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn và virus tấn công gây bệnh viêm phế quản cho cơ thể. Đặc biệt những người đang bị cảm lạnh, cảm cúm sẽ rất dễ bị viêm phế quản ngay sau đó.
- Do tuổi tác: Người già và trẻ em dưới 5 tuổi là đối tượng có nguy cơ cao bị viêm phế quản, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh.
- Người bị trào ngược dạ dày: Nếu thường xuyên bị trào ngược dạ dày, cổ họng của người bệnh sẽ dễ bị kích ứng, tạo điều kiện gây bệnh viêm phế quản.
- Người có tiền sử bị hen phế quản hoặc dị ứng cũng có nguy cơ cao bị viêm phế quản.
Chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phế quản
Viêm phế quản được chẩn đoán thông qua thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm cần thiết, sau đó các bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Do đó khi phát hiện thấy các dấu hiệu viêm phế quản, người bệnh nên đến bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa để kiểm tra.
Chẩn đoán bệnh viêm phế quản
Để xác định bệnh viêm phế quản, bác sẽ sẽ thực hiện thăm khám lâm sàng, sau đó sẽ chỉ định các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán bệnh. Một số các xét nghiệm chính cần làm để xác định bệnh viêm phế quản gồm:
Chụp X quang phổi
Dựa vào phim X quang phổi, bác sĩ sẽ phát hiện được các biểu hiện bất thường trong phế quản và phổi. X quang phổi thường được chỉ định cho người bệnh cao tuổi, mạch >100 lần/phút; thở 24 lần/phút; sốt cao trên 39 độ hoặc người bệnh có ran ẩm, nổ, hay xuất hiện hội chứng đông đặc khi khám phổi.
Xét nghiệm đờm
Đây là xét nghiệm phân tích các mẫu dịch đờm từ phổi hoặc phế quản của người bệnh để tìm các dấu hiệu nhiễm trùng, từ đó đưa ra kết luận.
Đo phế dung
Đây là bài kiểm tra chức năng phổi của người bệnh bằng kỹ thuật thăm dò chức năng không xâm nhập thông qua máy đo phế dung kế. Máy đo phế dung kế sẽ đo lượng không khí mà phổi có thể giữ được và kiểm tra tốc độ đẩy không khí ra khỏi phổi từ đó sẽ phát hiện ra một số rối loạn hoặc bệnh lý tại phổi, đánh giá mức độ nặng nhẹ của bệnh.
Điều trị bệnh viêm phế quản
Dựa vào các triệu chứng và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân.
Đối với người bị viêm phế quản cấp tính, phác đồ điều trị chính là sử dụng một số loại thuốc giúp giảm triệu chứng của bệnh bao gồm:
- Thuốc giãn phế quản: Dùng trong trường hợp có co thắt phế quản giúp làm giãn cơ trơn bọc các phế quản, tăng khẩu kính đường thở, giúp không khí có thể lưu thông đến các phế nang phổi dễ dàng hơn, bệnh nhân dễ thở hơn.
- Thuốc ho: Được sử dụng trong trường hợp bệnh nhân có triệu chứng bị ho nhiều khiến cổ họng và phế quản bị tổn thương.
- Một số loại thuốc khác: Một số loại thuốc hít hoặc thuốc giảm viêm được chỉ định trong trường hợp bệnh nhân bị dị ứng, hen suyễn hoặc bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Với trường hợp người bệnh viêm phế quản mãn tính, thường sẽ áp dụng phương pháp phục hồi chức năng phổi như các bài tập thở giúp người bệnh dễ thở và tăng khả năng vận động. Hoặc sử dụng liệu pháp oxy hỗ trợ người bệnh viêm phế quản mãn tính dễ thở hơn.
Những lưu ý cho người bệnh viêm phế quản
Khi bị viêm phế quản, ngoài tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, người bệnh cũng cần lưu ý trong chế độ dinh dưỡng và cách sinh hoạt hàng ngày để hỗ trợ cải thiện bệnh tốt hơn.
Lưu ý về chế độ ăn cho người bệnh viêm phế quản
Người bệnh viêm phế quản nên bổ sung các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ tiêu. Chế độ ăn cần tuân thủ:
Lựa chọn thực phẩm giàu dinh dưỡng
Người bệnh viêm phế quản cần được bổ sung đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất chính bao gồm chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
- Trái cây và rau xanh: Người bệnh viêm phế quản ăn nhiều trái cây và rau xanh sẽ giúp bổ sung một lượng lớn vitamin cần thiết. Đặc biệt các loại quả giàu vitamin C, E, A sẽ hỗ trợ tăng cường sức đề kháng, cải thiện tình trạng viêm phế quản, tình trạng khó thở ở người bệnh.
- Thực phẩm giàu protein bao gồm thịt lợn, thịt bò, sữa bò, sữa đậu, trứng gà, bột mì, ngũ cốc,… sẽ giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể nhanh chóng phục hồi, đẩy lùi tác nhân gây bệnh.
- Chế phẩm từ sữa: Các loại sữa bò, sữa đậu nành, sữa chua,… cung cấp hàm lượng protein và canxi rất cao hỗ trợ tăng cường sức đề kháng cho người bệnh. Tuy nhiên người bệnh nên chọn loại sữa ít béo, sữa đặc nhiều đường.
- Uống nhiều nước: Bên cạnh bổ sung các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, người bệnh viêm phế quản cũng cần lưu ý bổ sung đủ lượng nước cho cơ thể, tối thiểu 2 lít nước trên ngày. Uống nhiều nước sẽ giúp đào thải nhanh độc tố ra ngoài, tránh tình trạng bị mất nước do sốt, cải thiện tình trạng khô họng, làm loãng đờm trong cổ họng.
- Hạn chế ăn các loại hoa quả chua, chát; đồ ăn có nhiều đường hoặc muối. Kiêng đồ uống có chứa chất kích thích, đồ uống có ga; đồ ăn cay nóng gây kích thích niêm mạc phế quản.
Lưu ý khi chế biến thực phẩm cho người bệnh viêm phế quản
Khi bị viêm phế quản, niêm mạc ống phế quản bị sưng, dẫn đến tình trạng khó ăn, khó nuốt, do đó cần chế biến các món ăn ở dạng mềm, dễ tiêu.
- Thức ăn cho người viêm phế quản cần nấu ở dạng lỏng như cháo, súp,… hoặc nấu nhừ để người bệnh dễ nuốt hơn. Thức ăn dạng lỏng, ăn khi còn ấm nóng cũng giúp làm loãng đờm, giảm ho cho người bệnh.
- Hạn chế làm món ăn chiên, xào nhiều dầu mỡ, thay vào đó nên chế biến thành các món hấp, luộc, nấu canh để dễ tiêu hóa hơn.
- Người bệnh có thể chia nhỏ các bữa ăn thành nhiều bữa, mỗi bữa ăn ít một.
Lưu ý về sinh hoạt cho người bệnh viêm phế quản
Người bệnh viêm phế quản cũng cần lưu ý về một số thay đổi nhỏ trong sinh hoạt hàng ngày để giúp cải thiện bệnh được tốt hơn:
- Tuyệt đối bỏ thuốc lá hoặc tránh xa nguồn khói thuốc lá tránh nguy cơ hút thuốc lá thụ động.
- Đeo khẩu trang khi làm việc trong mỗi trường ô nhiễm hoặc khi đến những nơi đông người.
- Tập thể dụng nhẹ nhàng, nâng cao sức đề kháng. Một số bài tập cho người viêm phế quản có thể tham khảo bao gồm bài tập Yoga ở tư thế Salamba Sarvangasana, tư thế Simhasana; bài tập thở theo môi; bài tập thở cơ hoành.
Ngoài ra, nếu chưa bị viêm phế quản, để phòng bệnh, bạn nên tránh các yếu tố nguy cơ cao như hút thuốc lá hoặc hút thuốc lá thụ động, hạn chế làm việc trong môi trường khói bụi, ô nhiễm, độc hại. Nên bổ sung các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Bài viết trên đây là tổng hợp thông tin về bệnh viêm phế quản. Tất cả nội dung trong bài viết này của Bổ Phế Nam Hà chỉ mang tính chất tham khảo, không có tác dụng thay thế việc chẩn đoán và chữa bệnh. Khi thấy bất kỳ triệu chứng nào của bệnh, người bệnh cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà, tránh làm bệnh trở nặng thêm.