Vào thời điểm giao mùa, tỉ lệ người mắc bệnh lý về đường hô hấp ngày càng tăng cao, trong đó phổ biến nhất là bệnh viêm phế quản cấp. Bệnh thường diễn tiến lành tính, ít để lại di chứng sau khi khỏi, tuy nhiên nếu không điều trị dứt điểm có thể gây nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong bài viết này, cùng các dược sĩ của Bổ Phế Nam Hà tìm hiểu thông tin về bệnh viêm phế quản cấp tính.
Mục lục
Viêm phế quản cấp là gì?
Viêm phế quản cấp là tình trạng viêm nhiễm tạm thời ở niêm mạc ống phế quản của người trước đó không có tổn thương tại vị trí này. Bệnh viêm phế quản cấp tính thường gây ra triệu chứng ho kèm theo đờm, bên cạnh đó có trường hợp có thể bị thở rít, thở khò khè, khó thở, sốt nhẹ.
Viêm phế quản cấp tính là bệnh lý đường hô hấp phổ biến, thường phát triển sau khi bị cảm lạnh, cảm cúm và sẽ thuyên giảm sau khoảng 1 tuần điều trị, không để lại di chứng sau khi khỏi bệnh.
Dấu hiệu viêm phế quản cấp tính và diễn tiến của bệnh
Dấu hiệu bệnh viêm phế quản cấp
Viêm phế quản cấp tính có các triệu chứng bệnh điển hình của bệnh viêm phế quản, thường xuất hiện sau một đợt cúm, bao gồm:
- Mệt mỏi, đau nhức chân tay và toàn thân.
- Ớn lạnh và có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao tương tự như cảm lạnh, cảm cúm.
- Sổ mũi hoặc nghẹt mũi.
- Đau họng, ngứa rát cổ họng, có thể bị đau khi nuốt nước bọt hoặc nuốt thức ăn, đau khi nói chuyện.
- Ho: Có thể là ho khan hoặc ho có đờm; Cơn ho tăng dần, có thể kéo dài trong 3 tuần ngay cả sau khi đã điều trị khỏi viêm.
- Nhiều đờm, đặc biệt là vào buổi sáng sau khi thức dậy. Đờm không màu hoặc màu trắng đục, xám vàng hoặc xanh lục, thậm chí đờm còn có kèm cả tia máu.
- Thở khò khè, thở rít, đặc biệt khi phải gắng sức làm gì đó sẽ thường bị khó thở.
- Một số ít bệnh nhân bị đau tức ngực, hụt hơi, khó thở.
Diễn tiến của bệnh viêm phế quản cấp tính
Bệnh viêm phế quản cấp tính thường diễn tiến theo các giai đoạn sau:
- Giai đoạn ủ bệnh: Sau khi bị virus, vi khuẩn xâm nhập, người bệnh sẽ có khoảng thời gian ủ bệnh từ 1 – 3 ngày. Ở giai đoạn này thường chưa xuất hiện triệu chứng rõ ràng.
- Giai đoạn viêm long hô hấp trên: Sau khoảng 3 ngày, người bệnh bắt đầu xuất hiện triệu chứng viêm đường hô hấp trên như hắt hơi, sổ mũi, đau họng. Bên cạnh đó còn có thể bị ớn lạnh, sốt nhẹ, đau nhức toàn thân.
- Giai đoạn viêm phế quản cấp: Ở giai đoạn này, người bệnh sẽ bị ho nhiều, đầu tiên có thể là ho khan, sau đó là ho đờm, đờm trắng hoặc đục. Ho nhiều có thể gây tức ngực, đau rát vùng xương ức. Thở có tiếng khò khè, khó thở.
- Giai đoạn phục hồi: Sau khoảng 7 – 10 ngày, các triệu chứng của bệnh dần thuyên giảm, cơ thể bắt đầu hồi phục. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể vẫn bị ho kéo dài thêm vài tuần.
Các triệu chứng bệnh viêm phế quản cấp tính có thể dễ nhầm lẫn với bệnh lý đường hô hấp khác. Do đó không nên tự chẩn đoán bệnh tại nhà mà cần thăm khám bác sĩ nếu thấy ho dai dẳng không cải thiện sau khoảng 1 tuần, ho nặng hơn gây mất ngủ, đau tức ngực, khó thở khi ho, sốt dai dẳng không cắt.
Nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản cấp
Theo các chuyên gia y tế, 90% nguyên nhân chính gây bệnh viêm phế quản cấp là do virus, 10% còn lại là do vi khuẩn hoặc do cả virus và vi khuẩn gây ra. Ngoài ra, viêm phế quản cấp còn bắt nguồn từ nhiều yếu tố nguy cơ khác.
Viêm phế quản cấp tính do virus
Các loại virus chính gây bệnh gồm: Adenovirus, coronavirus, virus cúm A, B, metapneumovirus, RSV, rhinovirus…
Vi khuẩn
Thường hiếm gặp hơn. Các nhóm vi khuẩn không điển hình là: Ho gà, Chlamydia pneumoniae, Mycoplasma pneumoniae, Haemophilus influenzae, phế cầu. Viêm phế quản cấp tính do vi khuẩn thường gây ra triệu chứng sốt và một số dấu hiệu ngoài đường hô hấp.
Do khói thuốc lá
Hít phải khói thuốc lá thường xuyên có thể làm giảm vận động lông chuyển của tế bào niêm mạc phế quản, gây phì đại, tăng tiết nhầy của các tuyến, tổn thương lông mao trong phế quản. Hoạt chất nicotin trong thuốc lá còn là nguyên nhân hàng đầu gây tình trạng viêm là tổn thương niêm mạc đường hô hấp. Nếu bạn hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc lá thường xuyên sẽ có nguy cơ cao bị bệnh viêm phế quản cấp tính.
Do thay đổi thời tiết đột ngột
Thời tiết thay đổi đột ngột khiến niêm mạc hô hấp dễ bị kích ứng, gây viêm, sưng.
Do có tiền sử bị trào ngược dạ dày
Khi bị trào ngược dạ dày, các chất dịch vị axit từ dạ dày sẽ trào ngược vào hệ thống thanh quản, vùng niêm mạc thực quản bị tổn thương, là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, virus sinh sôi và phát triển, gây bệnh viêm phế quản.
Ngoài các nguyên nhân chính kể trên, một số yếu tố nguy cơ khác cũng có thể gây nguy cơ bị viêm phế quản cấp tính như do tuổi tác, do sống trong môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi, sức đề kháng yếu,…
Chẩn đoán bệnh viêm phế quản cấp tính
Viêm phế quản cấp tính chủ yếu được chẩn đoán thông qua việc thăm khám lâm sàng. Tuy nhiên trong một số trường hợp bác sĩ sẽ chỉ định thêm một số xét nghiệm cần thiết trước khi ra kết luận chẩn đoán bệnh. Một số chỉ định đi kèm khi khám viêm phế quản bao gồm:
Chup X quang chẩn đoán bệnh viêm phế quản cấp tính
Chup X quang phổi sẽ giúp bác sĩ có thể phân biệt được bệnh nhân đang bị viêm phế quản cấp hay bị các bệnh đường hô hấp khác như viêm phổi, áp xe phổi. Chụp X quang phổi thường được chỉ định cho bệnh nhân:
- Người bệnh > 75 tuổi;
- Nhịp thở > 24 lần/phút;
- Mạch > 100 lần/phút;
- Sốt > 38 độ C
- Rale phổi ẩm, nổ, xuất hiện hội chứng đông đặc khi khám phổi.
Xét nghiệm tìm căn nguyên bệnh viêm phế quản cấp tính
Thông thường, viêm phế quản cấp có thể được chẩn đoán bằng cách thăm khám lâm sàng, sau đó bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người bệnh vẫn được yêu cầu làm một số xét nghiệm tìm căn nguyên gây bệnh. Các trường hợp cần xét nghiệm:
- Bác sĩ muốn xác định đặc điểm vi sinh gây bệnh ở một vùng nhất định, từ đó làm căn cứ để có phác đồ điều trị cho các trường hợp bệnh tiếp theo tại vùng đó.
- Trường hợp bệnh nhân viêm phế quản cấp tính đã sử dụng thuốc nhưng không thấy có hiệu quả. Khi đó người bệnh cần được cấy đờm để phân tích tác nhân gây bệnh, xác định khả năng kháng thuốc, nhạy cảm của thuốc đối với vi khuẩn gây bệnh, sau đó sẽ đưa ra phác đồ điều trị thuốc phù hợp hơn.
Điều trị bệnh viêm phế quản cấp
Nguyên tắc điều trị bệnh viêm phế quản cấp
Theo các chuyên gia y tế, 90% nguyên nhân viêm phế quản cấp tính là do virus, do đó việc sử dụng kháng sinh để điều trị trong trường hợp này không mang lại hiệu quả. Điều trị viêm phế quản cấp tính do virus gây ra chỉ bằng cách điều trị triệu chứng và nâng cao sức đề kháng để tạo kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh. Người lớn, nếu chỉ vị viêm đơn thuần không kèm bệnh lý nền khác có thể tự khỏi sau khoảng 1 tuần mà không cần điều trị.
Liệu pháp kháng sinh chỉ hiệu quả khi tác nhân gây bệnh là vi khuẩn khiến thể trạng của người bệnh xấu đi, sốt kéo dài nhiều ngày không hạ, khạc đờm xanh hoặc vàng hoặc có mủ. Người bị bệnh viêm phế quản cấp tính kèm theo bệnh lý nền khác như bệnh tim, phổi, gan, thận, thận, gan, thần kinh cơ, suy giảm miễn dịch; người trên 65 tuổi có ho cấp tính kèm thêm hai hoặc nhiều hơn các dấu hiệu sau bệnh nhân nhập viện trong 1 năm trước, có đái tháo đường typ 1 hoặc typ 2, tiền sử suy tim xung huyết, hiện đang dùng corticoid uống cũng sẽ được chỉ định dùng kháng sinh trong phác đồ điều trị.
Điều trị triệu chứng cho người bệnh viêm phế quản cấp
Hầu hết bệnh nhân viêm phế quản cấp thông thường sẽ tự khỏi sau 7 – 10 ngày. Nếu có các biểu hiện bệnh đi kèm như sốt, ho, đau mỏi người, đau rát họng, đờm,… sẽ chỉ cần điều trị triệu chứng là bệnh sẽ thuyên giảm. Dựa trên từng triệu chứng sẽ có phương pháp điều trị phù hợp:
Sốt
Bệnh nhân viêm phế quản cấp tính khi sốt cao từ 38,5 độ C trở lên cần sử dụng thuốc hạ sốt kết hợp chườm ấm để hạ nhiệt. Có 2 loại thuốc thường được sử dụng đó là ibuprofen và paracetamol. Với những bệnh nhân có kèm bệnh lý nền cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng. Tuyệt đối không sử dụng thuốc aspirin để hạ sốt cho người bị viêm loét dạ dàng – tá tràng, người bị hen suyễn.
Ho
Ho là phản xạ của cơ thể để tống đờm, chất nhầy ra khỏi đường hô hấp. Do đó nếu chỉ bị ho nhẹ, không ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt thì chỉ cần uống nhiều nước ấm để làm loãng đờm, không nên sử dụng thuốc giảm ho vì như thế sẽ không tống được hết đờm trong cổ họng. Tuy nhiên nếu người bệnh bị ho nhiều, ho tới mức không ngủ được kèm theo nôn ói, đờm mủ cần sử dụng thuốc để giảm triệu chứng.
Sổ mũi, ngạt mũi, đau họng
Người bệnh nên vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý ngâm ấm để làm giảm tình trạng nghẹt mũi. Hạn chế sử dụng thuốc kháng histamin, thuốc sung huyết mũi để làm thông thoáng đường thở.
Khi bị đau họng, nên súc họng miệng bằng nước muối ấm, có thể tham khảo thêm một số mẹo dân gian chữa đau họng tại nhà để cải thiện triệu chứng.
Sử dụng thuốc kháng virus
Được chỉ định trong trường hợp viêm phế quản cấp tính do virus cúm gây ra. Tuy nhiên thuốc chỉ hiệu quả nếu dùng sớm trong 36 giờ đầu kể từ khi khởi phát triệu chứng.
Khí dung thuốc giãn phế quản
Các loại thuốc này khi sử dụng cần có chỉ định của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế để tránh bị tác dụng phụ hoặc không phát huy được hiệu quả của thuốc.
Bổ sung vitamin và khoáng chất
Khi bị viêm phế quản cấp tính, nếu triệu chứng nhẹ, người bệnh có thể sử dụng một số loại thực phẩm chức năng bổ sung vitamin và khoáng chất, nâng cao sức đề kháng, tạo kháng thể tự nhiên để chống lại bệnh.
Người bệnh viêm phế quản cấp trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào để điều trị cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn. Tuyệt đối không tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, tránh gây tác dụng phụ không mong muốn.
Đối với trẻ nhỏ khi bị viêm phế quản cấp, cơ địa suy hô hấp mãn, có cơn co thắt phế quản cần nhập viện để theo dõi và điều trị.
Chăm sóc người bệnh viêm phế quản cấp
Khi bị viêm phế quản cấp, người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, đau nhức toàn thân, sức khỏe suy yếu. Do đó, ngoài tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, bệnh nhân cũng cần được chăm sóc và có chế độ sinh hoạt phù hợp.
- Người bệnh viêm phế quản cấp cần được nghỉ ngơi nhiều.
- Uống đủ nước: Người bệnh viêm phế quản cần uống đủ ít nhất 2 lít nước trên ngày. Nếu bị sốt cần uống bù điện giải, tránh để mất nước. Nên uống nước ấm để làm loãng đờm, giảm ho.
- Bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Chế độ ăn cân bằng giữa 4 nhóm chất chính là chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Thức ăn nên được chế biến mềm hoặc ở dạng lỏng như cháo, súp để người bệnh dễ nuốt, dễ tiêu. Ăn đồ luộc, hấp thay vì các món chiên, xào, rán nhiều dầu mỡ.
- Không hút thuốc lá, tránh xa nguồn khói thuốc lá xung quanh.
- Không sử dụng chất kích thích, đồ uống có chứa cồn.
- Luôn đeo khẩu trang khi tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm hoặc môi trường độc hại. Đeo khẩu trang nơi công cộng.
- Thường xuyên tập thể dục thể thao nâng cao sức đề kháng. Người bị bệnh viêm phế quản cấp tính có thể tập các bài tập thở hỗ trợ cải thiện tình trạng bệnh.
Phòng ngừa bệnh viêm phế quản cấp
Viêm phế quản cấp là bệnh lý đường hô hấp thường gặp, đặc biệt khi giao mùa. Tuy nhiên chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa bệnh bằng một số biện pháp:
- Hạn chế tiếp xúc với chất kích thích: Không hút thuốc lá hoặc hút thuốc lá thụ động. Đến những môi trường ô nhiễm khói bụi, nơi công cộng cần mang khẩu trang.
- Luôn giữ ấm cổ họng và vùng ngực khi trời trở lạnh hoặc thời điểm giao mùa.
- Tiêm phòng cúm, phế cầu đẩy đủ cũng giúp giảm khả năng gây bệnh.
- Luôn vệ sinh răng miệng, súc họng miệng bằng nước muối hoặc các loại nước súc họng chuyên dụng.
Bệnh viêm phế quản cấp tính không phải là bệnh lý quá nguy hiểm gây ảnh hưởng đến tính mạng. Tuy nhiên nếu không hiểu đúng và điều trị kịp thời có thể gây nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe. Các thông tin trên đây của Bổ Phế Nam Hà hy vọng sẽ giúp bạn có kiến thức tổng quan về bệnh. Tất cả thông tin trong bài viết không thay thế việc chẩn đoán và điều trị.