Viêm họng mãn tính ban đầu không có triệu chứng rõ ràng, chúng khởi phát âm thầm, dai dẳng, khó điều trị dứt điểm và dễ tái phát. Do đó, cần kết hợp các biện pháp khắc phục, điều trị và phòng ngừa hợp lý.
Mục lục
1. Tổng quan về bệnh viêm họng mãn tính
Viêm họng mãn tính khiến cho vùng họng sưng đỏ, đau rát và hình thành đờm. Việc này khiến cho người bệnh khó chịu, ho nhiều, thậm chí sốt cao do viêm nhiễm. Vậy viêm họng mãn tính là gì? Nguyên nhân và triệu chứng bệnh như thế nào?
1.1. Viêm họng mãn tính là gì?
Viêm họng mãn tính là bệnh lý viêm họng kéo dài dai dẳng, chính là hậu quả của viêm họng cấp tính tái phát nhiều lần và không điều trị triệt để. Dấu hiệu thường gặp là đau rát họng, ho kéo dài và xuất hiện nhiều đờm. Nếu đau họng và ho kéo dài, bệnh nhân cần đi khám ngay, để phát hiện cũng như ngăn chặn các bệnh lý nghiêm trọng khác kèm theo.
Bệnh viêm họng mãn tính được phân làm 4 thể, dựa trên các đặc điểm tổn thương:
– Viêm họng mãn tính xung huyết đơn thuần: Thấy xuất hiện nhiều mạch máu và niêm mạc họng bị đỏ.
– Viêm họng mãn tính xuất tiết: Có nhiều chất nhầy dính vào thành họng, niêm mạc họng xung huyết đỏ.
– Viêm họng mãn tính quá phát: Trường hợp này còn có tên gọi là viêm họng hạt, lúc này niêm họng họng đỏ và dày lên. Các tổ chức bạch huyết ở thành họng quá phát thành nhiều đám to nhỏ rải rác hoặc tập trung thành một dải dọc ở phía sau.
– Viêm họng teo: Thể này làm cho niêm mạc họng mỏng, teo dần và trở nên khô, nguyên nhân do các tuyến nhầy dưới niêm mạc cũng bị teo đi, giảm tiết. Khi đó, họng thường có mà hồng nhợt nhạt, đóng vảy vàng và khô.
1.2. Nguyên nhân gây bệnh viêm họng mãn tính
Thông thường, viêm họng cấp thường xảy ra do nhiễm virus hoặc vi khuẩn. Tuy nhiên, ở giai đoạn mãn tính, bệnh còn do nhiều nguyên nhân khác dẫn đến.
– Nhiễm trùng: Có thể do nhiễm trùng virus hoặc vi khuẩn như liên khuẩn cầu, virus cúm, virus sởi, bạch hầu…
– Bệnh hô hấp mãn tính: Nguyên nhân gây ra viêm họng mãn tính có thể do viêm amidan mãn tính, viêm xoang mãn tính, viêm thanh quản… Các bệnh lý đường hô hấp này có liên quan mật thiết với nhau, nếu không điều trị đúng cách dễ dẫn đến các bệnh hô hấp khác.
– Trào ngược dạ dày thực quản: Điều này xảy ra khi axit từ dạ dày trào ngược lên vùng cổ họng và thực quản, dẫn đến hiện tượng sưng viêm và đau rát kéo dài do dịch vị dạ dày có thể ăn mòn niêm mạc họng.
– Hút thuốc lá: Các chất độc trong khói thuốc có thể kích thích niêm mạc hầu họng, từ đó gây viêm kéo dài. Không những thế, thói quen này còn gây ra các bệnh hô hấp khác như viêm phế quản, viêm phổi…
– Nguyên nhân khác: Ngoài ra, bệnh còn xảy ra do thói quen thường xuyên sử dụng rượu bia, sinh sống trong môi trường ô nhiễm, cấu trúc hô hấp bất thường…
1.3. Triệu chứng của viêm họng mãn tính
Viêm họng khi đã mãn tính chủ yếu gây ra các triệu chứng tại chỗ như:
– Đau họng kéo dài
– Cảm giác vướng, nghẹn ở cổ họng
– Họng sưng nóng, khô, ngứa, rát
– Ho dai dẳng, kèm theo có đờm
– Cảm giác đau khi nuốt
– Giảm tiết nước bọt
– Thường xuyên khạc đờm do đờm ứ đọng ở họng
– Hơi thở hôi
– Có thể kèm theo các triệu chứng như ợ hơi, ợ nóng, ợ chua.
Viêm họng mãn tính ít gây sốt, tuy nhiên thể trạng người có sức khoẻ yếu sẽ gây ra tình trạng mệt mỏi, cơ thể suy nhược, chán ăn.
2. Viêm họng mãn tính có nguy hiểm không?
Những trường hợp không điều trị dứt điểm, bệnh kéo dài, có thể gây ra các biến chứng như:
– Áp xe thành họng: Hiện tượng này xuất hiện là do tình trạng viêm nhiễm nghiêm trọng, dẫn đến hiện tượng hình ảnh ổ mủ. Biến chứng này thường gây ra tình trạng nghẹt mũi kéo dài, sốt cao, ho có đờm, chảy nước mũi có màu vàng xanh…
– Gây viêm ở các cơ quan hô hấp trên: Tình trạng viêm họng kéo dài gây sưng viêm ở các cơ quan lân cận như thanh quản, amidan, mũi, xoang… Ngoài ra, còn tăng nguy cơ gây bệnh viêm tai giữa.
– Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống: Các triệu chứng đau họng, khó nuốt, đau rát, vướng víu… có thể ảnh hưởng đến hoạt động ăn uống và giao tiếp. Bên cạnh đó, chúng còn gây ra tình trạng hôi miệng, tạo tâm lý thiếu tự tin khi nói chuyện.
Viêm họng mãn tính là bệnh đường hô hấp mà nhiều đối tượng gặp phải, cả ở trẻ nhỏ, người trưởng thành hay người già. Tuy là bệnh thường gặp nhưng nếu không được chăm sóc và điều trị kịp thời sẽ có khả năng phát sinh biến chứng. Vì vậy, nếu triệu chứng kéo dài khoảng 1 tuần không thuyên giảm, bạn nên chủ động thăm khám ngay để có hướng khắc phục phù hợp.
Thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo, bệnh nhân cần đến khám và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc hay bất cứ phương pháp điều trị nào.