Viêm amidan là bệnh lý đường hô hấp phổ biến thường gặp ở cả người lớn và trẻ em. Bệnh viêm amidan gây nhiều triệu chứng khó chịu, khó điều trị dứt điểm và dễ gây các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh nếu không điều trị kịp thời.
Mục lục
1. Tổng quan về bệnh viêm amidan
Amidan là một cặp khối mô mềm tương tự như các tổ chức lympho nằm ở phía sau của hầu họng – vị trí giao nhau giữa đường ăn uống và hô hấp. Amidan có cấu tạo đặc thù gồm nhiều khe, hốc nhỏ, được bao phủ bởi lớp niêm mạc hồng, chạy qua niêm mạc của mỗi amidan là các crypts.
Amidan có vai trò là lớp lá chắn đầu tiên bảo vệ hệ hô hấp, ngăn chặn vi khuẩn, virus xâm nhập đồng thời sản sinh kháng thể IgG chống lại quá trình nhiễm khuẩn gây bệnh cho hệ hô hấp.
Bệnh viêm amidan là gì?
Amidan nằm ở vị trí cửa ngõ của hệ hô hấp nên thường xuyên phải tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus. Nếu cơ thể khỏe mạnh, amidan sẽ sản sinh kháng thể để chống lại các tác nhân này ngăn chặn không cho xâm nhập vào cơ thể. Tuy nhiên, nếu vi khuẩn và virus xâm nhập được thì amidan sẽ là vị trí trú ẩn lý tưởng của virus, vi khuẩn gây bệnh do có cấu tạo đặc biệt gồm nhiều khe, hốc.
Viêm amidan là tình trạng tổn thương viêm nhiễm cấp hoặc mãn tính tuyến amidan do các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus gây nên. Khi vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể với số lượng lớn, hoạt động mạnh mẽ khiến amidan không kịp sản sinh kháng thể để chống lại được sẽ gây ra tình trạng viêm nhiễm, sưng đỏ.
Viêm amidan là bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi và nhiều nhất là ở lứa tuổi từ 5 – 15 tuổi. Bệnh rất dễ lây và gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không có phác đồ điều trị đúng và kịp thời.
Phân loại viêm amidan
Viêm amidan được chia làm 2 loại:
- Bệnh viêm amidan cấp tính: Là tổn thương viêm xung huyết hoặc viêm mủ của tuyến amidan khẩu cái, nguyên nhân chính thường do vi khuẩn và virus gây nên. Viêm amidan cấp thường gặp ở trẻ nhỏ cho đến tuổi vị thành niên.
- Viêm amidan mãn tính: Là tình trạng viêm nhiễm tái đi tái lại nhiều lần, có thể bị nhiều lần trong cùng một năm hoặc liên tiếp các năm.
2. Triệu chứng điển hình khi bị viêm amidan
Các triệu chứng của bệnh viêm amidan rất điển hình và dễ chẩn đoán, bao gồm triệu chứng chính là đau họng, sưng amidan và sốt. Bên cạnh đó còn có các dấu hiệu nhận biết đặc trưng dưới đây:
- Cổ họng cảm giác khô, nóng rát khó chịu và vướng họng.
- Đau khi nuốt nước bọt hoặc thức ăn do admin bị sưng đỏ, có thể đau lan lên tai khi nuốt hoặc ho.
- Hơi thở có mùi hôi mặc dù đã vệ sinh răng miệng rất kỹ.
- Khi bị viêm amidan sẽ xuất hiện hiện tượng xuất huyết, hốc miệng có chấm mủ màu trắng hoặc vàng ở amidan và vòm miệng.
- Ngoài ra người bệnh còn gặp một số triệu chứng như sốt cao (thường từ 39-40 độ), mệt mỏi, chán ăn, đau đầu, nổi hạch bạch huyết phía sau hàm dưới,…). Ở trẻ em còn có thể xuất hiện thêm các triệu chứng như nôn mửa, chảy mũi, chảy nước dãi, đau bụng, biếng ăn, quấy khóc.
Viêm amidan triệu chứng khá giống với các bệnh về đường hô hấp khác như viêm họng, viêm phổi,… Do đó nếu phát hiện bất kỳ triệu chứng nào, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để thăm khám để được chẩn đoán bệnh chính xác.
3. Nguyên nhân chính gây viêm amidan
Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân chính gây viêm amidan thường do virus, điển hình là các loại virus như (adenovirus, rhinovirus, virus cúm, coronavirus, và virus hợp bào đường hô hấp). Ngoài ra khoảng 30% người bệnh bị viêm amidan là do vi khuẩn. Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ cao cũng có thể gây bệnh viêm amidan bao gồm:
- Người bệnh đã hoặc đang mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp do nhiễm khuẩn như sởi, ho gà,…
- Do thường xuyên sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, thói quen lạm dụng đồ uống lạnh.
- Sống trong môi trường nhiều khói bụi, ô nhiễm không khí
- Do thay đổi thời tiết đột ngột, đặc biệt dễ bị viêm amidan hơn khi giao mùa.
4. Biến chứng nguy hiểm khi bị viêm amidan
Tình trạng viêm amidan kéo dài nếu không được điều trị có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm:
- Biến chứng tại chỗ: Khó thở, nhiễm trùng lan sâu xuống vùng mô xung quanh, áp xe phúc mạc, biến chứng viêm amidan hốc mủ.
- Biến chứng kế cận: Viêm amidan nếu để dai dẳng có thể có nguy cơ cao gây viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa, viêm hạch, viêm thanh khí phế quản.
- Biến chứng toàn thân: Ngoài các biến chứng kể trên, nếu người bệnh vị viêm admin do liên cầu khuẩn nhóm A hoặc một liên cầu khuẩn nhóm khác, nếu không có phác đồ điều trị phù hợp, bệnh nhân có thể gặp biến chứng sốt thấp khớp, viêm cầu thận,…
5. Chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân viêm amidan
Bệnh viêm amidan nếu không được chăm sóc và điều trị đúng có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Điều trị bệnh viêm amidan
Phác đồ điều trị bệnh sẽ được đưa ra sau khi được chẩn đoán lâm sàng và làm các xét nghiệm cần thiết. Các phương pháp điều trị viêm amidan chính thường được sử dụng bao gồm:
- Điều trị nội khoa: Tùy theo tình trạng bệnh của từng người mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Phương pháp nội khoa sử dụng các loại thuốc Tây y giúp điều trị các triệu chứng của bệnh viêm amidan ở giai đoạn cấp tính.
- Cắt amidan: Phương pháp điều trị cắt amidan được chỉ định đối với trường hợp bệnh nhân bị viêm amidan mãn tính tái đi tái lại nhiều lần, điều trị nội khoa không khỏi, kích thước amidan quá to hoặc tình trạng cấp nghiêm trọng gây các biến chứng đi kèm như áp xe.
Chăm sóc người bệnh viêm amidan
Ngoài tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, người bệnh viêm amidan cũng cần chú ý đến chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và chăm sóc giảm triệu chứng của bệnh.
- Về chế độ ăn uống: Người bệnh viêm amidan cần được bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt là các vitamin và khoáng chất. Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin C để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Nên chế biến đồ ăn ở dạng lỏng như cháo, súp, hoa quả có thể làm nước ép hoặc sinh tố để hạn chế bị đau khi nuốt thức ăn.
- Nghỉ ngơi nhiều: Khi bị viêm amidan, sức khỏe của người bệnh bị suy giảm, vì vậy nghỉ ngơi là điều rất cần thiết vào lúc này. Người bệnh nên hạn chế làm các công việc quá sức, hoạt động thể chất mạnh.
- Uống nhiều nước: Khi bị virus hoặc vi khuẩn tấn công, vùng amidan sẽ bị mất đi độ ẩm vốn có, khiến cơ thể mất nhiều nước, mệt mỏi hơn. Do đó, người bệnh viêm amidan cần bổ sung đủ lượng nước, tối thiểu 2 lít nước mỗi ngày, có thể là nước canh, nước ép hoa quả thay vì chỉ uống nước lọc. Lưu ý nên uống nước ấm.
- Giữ vệ sinh răng miệng: Khi bị viêm amidan, người bệnh sẽ có triệu chứng bị hôi miệng, hơi thở có mùi rất khó chịu. Do đó, cần thường xuyên vệ sinh răng miệng bằng cách súc miệng bằng nước muối ấm 3-4 lần/ngày hoặc dùng các loại nước súc miệng chuyên dụng.
- Không hút thuốc lá và dùng chất kích thích như rượu, bia,… gây ảnh hưởng đến vùng họng.
- Tăng cường luyện tập thể thao, lưu ý chỉ nên thực hiện các bài tập vận động nhẹ nhàng, tránh vận động quá sức.
Viêm amidan là bệnh lý thường gặp, đặc biệt là ở độ tuổi vị thành niên. Khi có bất kỳ triệu chứng của bệnh, bạn nên đến các cơ sở y tế để thăm khám để được chẩn đoán và có phác đồ điều trị bệnh phù hợp.