Triệu chứng viêm phế quản thường không điển hình, dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý đường hô hấp khác. Biểu hiện viêm phế quản cũng có sự khác nhau tùy theo diễn tiến và giai đoạn của bệnh. Hãy cùng tham khảo thêm thông tin về các triệu chứng của viêm phế quản trong bài viết dưới đây.
Mục lục
Tổng quan về bệnh viêm phế quản
Viêm phế quản xảy ra khi vùng niêm mạc ống phế quản bị viêm làm rối loạn xuất tiết, tính thấm và phản ứng tại chỗ của phế quản. Tác nhân gây bệnh chính thường là do virus, ngoài ra còn có một số ít bị viêm phế quản do vi khuẩn như nhiễm vi khuẩn phế cầu, liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn,….
Bệnh viêm phế quản chia thành 2 dạng là viêm phế quản cấp tính và viêm phế quản mạn tính. Ở giai đoạn cấp tính, bệnh thường sẽ khỏi hẳn sau khoảng 7 – 10 ngày chăm sóc và điều trị, ít gây biến chứng nguy hiểm. Viêm phế quản mạn tính được đánh giá là bệnh lý nguy hiểm, khó điều trị hơn và dễ gây biến chứng hơn.
Tùy theo mỗi giai đoạn của bệnh mà triệu chứng viêm phế quản là khác nhau, diễn tiến bệnh càng nặng thì các biểu hiện viêm phế quản càng tăng.
Triệu chứng viêm phế quản
Bệnh viêm phế quản thường xuất hiện sau một đợt cảm lạnh hoặc cảm cúm, do đó có các biểu hiện tương tự như cúm. Sau đó nếu bệnh diễn tiến nặng hơn thì sẽ có các triệu chứng viêm phế quản tăng dần dẫn đến khó thở, đau tức ngực.
Triệu chứng viêm phế quản chung
Viêm phế quản có thể xuất hiện ở bất cứ độ tuổi nào, thường bị nhiều khi thời tiết trở lạnh hoặc vào các thời điểm giao mùa thu đông, đông xuân. Hầu hết người bệnh đều có các biểu hiện viêm phế quản chung bao gồm:
- Ho dai dẳng kéo dài trong nhiều ngày.
- Cổ họng có đờm nhầy, có thể là đờm trong hoặc màu đục, vàng, xanh. Càng để lâu thì lượng đờm nhầy càng tiết ra nhiều.
- Người luôn mệt mỏi, đau nhức toàn thân.
- Có cảm giác ớn lạnh, có thể sốt nhẹ đến cao.
- Đau rát họng, cảm thấy khó khăn khi nuốt nước bọt hay nuốt thức ăn.
- Chảy mũi hoặc nghẹt mũi.
- Thở khò khè, nặng hơn người bệnh còn cảm thấy khó thở, đau tức ngực.
Ho là triệu chứng viêm phế quản điển hình, có thể kéo dài đến vài tuần hoặc cả tháng ngay cả khi đã điều trị khỏi bệnh do các ống phế quản cần có nhiều thời gian để chữa lành các tổn thương.
Tuy nhiên, ho không chỉ là triệu chứng viêm phế quản mà còn là biểu hiệu của nhiều bệnh lý đường hô hấp khác như viêm phổi, lao phổi, hen suyễn, viêm amidan,… Nếu bạn bị ho liên tục trong thời gian dài, nên đi khám chuyên khoa để được kiểm tra và chẩn đoán bệnh chính xác, khi đó sẽ có phác đồ điều trị bệnh phù hợp.
Ngoài các dấu hiệu chung kể trên, triệu chứng viêm phế quản có sự khác nhau tùy theo từng thể bệnh là cấp tính hay mạn tính.
Triệu chứng viêm phế quản cấp
Viêm phế quản cấp thường phát triển sau khoảng 3 – 4 ngày bị cảm lạnh hoặc cảm cúm. Các triệu chứng viêm phế quản cấp tính tăng dần theo diễn tiến của bệnh:
- Biểu hiện viêm phế quản cấp tính ở giai đoạn ủ bệnh: Khoảng 2 – 3 ngày đầu ở giai đoạn ủ bệnh bệnh nhân thường chưa có triệu chứng rõ ràng.
- Biểu hiện viêm phế quản cấp tính ở giai đoạn viêm long đường hô hấp trên: Giai đoạn này, người bệnh sẽ có triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, đau rát họng, người mệt mỏi, cảm giác ớn lạnh và hơi sốt nhẹ.
- Triệu chứng viêm phế quản giai đoạn cấp: Đầu tiên, người bệnh thường ho khan, ho thành từng cơn, sau đó xuất hiện đờm, đờm trắng trong hoặc vàng, xanh hoặc đờm mủ. Cơn ho xuất hiện nhiều hơn và dai dẳng, bệnh nhân thường xuyên khạc đờm. Đờm nhiều khiến bệnh nhân thở khó khăn hơn, có tiếng thở khò khè. Ở trẻ em có thể không thấy bé khạc đờm do các bé thường sẽ nuốt đờm ngược vào trong.
Triệu chứng viêm phế quản mạn
Viêm phế quản mạn tính là tình trạng bệnh nặng hơn, các triệu chứng viêm phế quản ở giai đoạn mãn tính cũng rõ ràng hơn.
- Bệnh nhân ho dai dẳng liên tục, mỗi đợt ho kéo dài từ 2 -3 tuần, 1 năm có thể ho 5 – 6 đợt liên tục, đặc biệt ho nhiều vào cuối thu, đầu xuân và suốt mùa đông. Ho kèm theo đờm nhầy (đờm trong, dính hoặc có màu vàng, xanh, đặc như mủ).
- Thở gấp, khó thở: Đây là triệu chứng viêm phế quản mạn cảnh báo nguy hiểm cho người bệnh. Lượng đờm nhầy tiết ra quá nhiều tràn ra khỏi ống phế quản, gây tắc nghẽn trên đường lưu thông không khí ra vào phổi, khiến bệnh nhân cảm thấy khó thở, thiếu dưỡng khí, thở gấp. Có trường hợp nặng, bệnh nhân còn cảm thấy khó thở ngay cả khi đang nghỉ ngơi.
- Ngoài ra, người bệnh còn gặp một số triệu chứng viêm phế quản khác như cơ thể luôn cảm thấy mệt mỏi, uể oải, không muốn ăn, sụt cân; hơi thở có mùi, chảy mũi, nghẹt mũi, đau tức vùng ngực.
Triệu chứng viêm phế quản như nào cần khám bác sĩ?
Triệu chứng viêm phế quản rất giống với các bệnh lý đường hô hấp khác như viêm phổi, hen suyễn, lao phổi,… do đó rất khó nhận biết và chẩn đoán nếu không có chuyên môn. Khi thấy bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh, bạn nên đi khám để được chẩn đoán chính xác. Đặc biệt nếu có các triệu chứng dưới đây:
- Ho liên tục kéo dài hơn 3 tuần, khiến bạn không thể ngủ.
- Các cơn ho ngày càng tăng dần, ho kèm đờm có lẫn máu hoặc đờm đổi màu mới, kèm cơn sốt dai dẳng hoặc sốt mới.
- Ho trên bệnh lý nền tim, phổi mạn tính hoặc ho dai dẳng ở người trên 75 tuổi.
- Thở khò khè hoặc khó thở.
Điều trị triệu chứng viêm phế quản
Bệnh viêm phế quản thường được chẩn đoán thông qua việc thăm khám lâm sàng bởi bác sĩ chuyên khoa. Hầu hết tác nhân gây bệnh là do virus nên thường sẽ chỉ tiến hành điều trị hỗ trợ, giảm triệu chứng viêm phế quản (ở giai đoạn cấp tính) là bệnh sẽ tự khỏi. Ở giai đoạn mãn tính sẽ có các phương pháp điều trị khác như sử dụng thuốc giãn phế quản, liệu pháp oxy hoặc phẫu thuật.