Khạc đờm ra máu là do niêm mạc họng bị tổn thương, dẫn đến xung huyết, khi khạc đờm có lẫn máu màu đỏ tươi hoặc hồng. Khạc đờm ra máu có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm, nếu để kéo dài và không có phương pháp điều trị đúng có thể gây nguy hại đến tính mạng.
Mục lục
1. Khạc đờm ra máu cảnh báo bệnh gì?
Khạc đờm ra máu thường có 5 dạng chính gồm đờm lẫn máu đỏ tươi; đờm kèm máu đỏ tươi và bọt; đờm kèm theo cục máu đông; đờm kèm theo tia máu hồng hoặc đờm xanh (vàng) có lẫn máu đỏ, mùi hôi. Số lượng máu nhiều hay ít, màu sắc máu lẫn trong đờm tùy thuộc vào tình trạng bệnh và thời gian mắc bệnh.
Khạc đờm ra máu có thể là biểu hiện của nhiễm trùng đường hô hấp, bệnh lao phổi, giãn phế quản, ung thư vòm họng, ung thư thanh quản,…
Khạc đờm ra máu cảnh báo bệnh lao phổi
Tại Việt Nam, bệnh lao phổi có tỷ lệ nhiễm khá cao. Khi bị lao phổi, người bệnh sẽ thường xuyên bị sốt nhẹ về chiều, ho ra máu kèm theo đờm, thường xuyên cảm thấy đau tức phần ngực, khó thở, cơ thể suy nhược, sụt cân.
Triệu chứng ho khạc đờm ra máu ở người bệnh lao phổi thường kéo dài trên 2 tuần, đờm có kèm theo máu tươi hoặc có các tia máu nhỏ.
Khạc đờm ra máu khi mắc các bệnh lý về đường hô hấp trên
Khi bị viêm họng, viêm amidan hay viêm mũi dị ứng, người bệnh có thể sẽ thấy xuất hiện triệu chứng ho khạc ra đờm có lẫn máu tươi.
Nguyên nhân là do khi mắc bệnh, phần cổ họng sẽ bị tổn thương, nếu để tình trạng kéo dài sẽ khiến lớp niêm mạc cổ họng sưng lên, ứ đọng máu trong cổ. Khi người bệnh ho nhiều vô tình tạo sức ép lên các vị trí bị tổn thương, khiến các chỗ đang sưng sẽ vỡ ra, chảy máu.
Khạc đờm ra máu cảnh báo bệnh giãn phế quản
Giãn phế quản là tình trạng phế quản của người bệnh bị giãn rộng hơn bình thường, tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng nghiêm trọng và tái đi tái lại.
Những triệu chứng điển hình nhất của bệnh giãn phế quản đó là ho liên tục dai dẳng trong nhiều tháng; đờm đặc ở cổ, khạc đờm ra máu, có thể thấy lẫn máu tươi nếu bệnh nặng; hơi thở ngắn, thở rít, đau vùng ngực; phần da dưới móng chân, móng tay dày lên; cơ thể luôn thấy mệt mỏi.
Bệnh giãn phế quản nếu không được điều trị sớm, khi ho khạc ra máu nhiều hơn 100ml thì sẽ có nguy cơ tử vong rất cao.
Khạc đờm ra máu cảnh báo bệnh viêm phế quản, viêm phổi
Viêm phổi là bệnh lý thường gặp ở cả người lớn và trẻ em. Khi bị viêm phổi người bệnh sẽ ho nhiều, cổ nhiều đờm.
Ở giai đoạn đầu sẽ thấy đờm có màu trong suốt, kèm bọt, lẫn các tia máu tươi. Ở bệnh nhân viêm phổi nặng sẽ thấy đờm thường lẫn mủ nhầy, màu ngả vàng, có lẫn máu tươi. Theo các bác sĩ, khi bệnh đã ở giai đoạn nặng, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và chữa bệnh.
Khạc đờm ra máu cảnh báo bệnh ung thư phổi
Triệu chứng khạc đờm có lẫn máu thường xuất hiện ở giai đoạn đầu khi bị bệnh ung thư phổi. Bệnh nhân ung thư phổi sẽ thấy đờm đặc, có mủ kèm theo các tia máu đỏ tươi. Bên cạnh đó người bệnh còn gặp các triệu chứng khác như đau tức vùng ngực, sút cân nhanh không rõ nguyên nhân.
2. Cách xử lý khi khạc đờm ra máu
Triệu chứng khạc đờm ra máu là triệu chứng cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm. Theo các bác sĩ, khi thấy bản thân hoặc người nhà xuất hiện triệu chứng này, cần đến ngay các cơ sở y tế thăm khám và điều trị sớm, tránh để bệnh kéo dài gây nhiều nguy hiểm đến sức khỏe.
Ngoài việc tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, người bệnh khi bị khạc đờm ra máu cũng cần lưu ý một số yếu tố dưới đây để tình trạng đờm trong cổ được cải thiện hơn.
Uống nước ấm thường xuyên
Nước ấm có tác dụng làm loãng đờm trong cổ họng, giúp đẩy đờm trong cổ họng ra tốt hơn, giảm kích thích hệ hô hấp, giảm hiện tượng khạc đờm ra máu.
Mỗi ngày nên bổ sung đủ 2 lít nước cho cơ thể. Lưu ý không nên uống nước lạnh vì có thể làm tăng tình trạng tổn thương niêm mạc hầu họng, gây nhiều đờm hơn.
Vệ sinh miệng họng bằng nước muối
Súc họng miệng bằng nước muối pha loãng rất tốt việc chăm sóc răng miệng và những người đang bị cảm cúm, cảm lạnh hoặc đang bị nhiễm trùng đường hô hấp. Muối chứa thành phần chính là Natri Clorua, có tác dụng kiềm hóa, tăng độ pH trong khoang miệng giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn; cân bằng trạng thái pH của niêm mạc và lớp nhầy trên bề mặt niêm mạc họng.
Khi bị khạc đờm ra máu, người bệnh nên sử dụng dung dịch nước muối pha loãng 0,9%, súc xuống tận sâu cổ họng và khò ngược lên, súc khoảng 30 giây mỗi lần, ngày 3 – 4 lần.
Có chế độ ăn uống khoa học, tập luyện thể thao
Khi bị khạc đờm ra máu, người bệnh nên hạn chế ăn đồ ăn có nhiều dầu mỡ, nhiều đường, đồ cay nóng vì có thể sẽ làm tăng chất đờm nhầy ở cổ họng. Đặc biệt nên ăn chín uống sôi, nên ăn thức ăn khi còn ấm nóng, hạn chế ăn đồ lạnh tránh kích thích niêm mạc họng tăng tiết đờm nhầy.
Thực hiện chế độ ăn khoa học, giàu chất dinh dưỡng sẽ giúp bổ sung các vitamin và khoáng chất cho cơ thể, cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết cho hệ hô hấp. Bên cạnh đó, nên tập các bài tập thể dục thể thao nhẹ nhàng để giúp tăng cường thể lực, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
Tình trạng khạc đờm ra máu có thể xuất hiện trong không ít bệnh lý và tính chất khạc đờm ra máu của mỗi người bệnh thường không giống nhau. Khi bị khạc đờm ra máu người bệnh nên đến bác sĩ thăm khám để được điều trị càng sớm càng tốt, tránh để kéo dài sẽ khiến tình trạng bệnh ngày càng nặng thêm. Xem thêm các bài viết khác tại: https://bophenamha.vn/