Ho khan ngứa cổ là triệu chứng phổ biến khi mắc các bệnh lý về đường hô hấp, xuất hiện ở cả người lớn và trẻ em. Thông thường ho khan và ngứa cổ không gây nguy hiểm cho sức khỏe, tuy nhiên nếu tình trạng kéo dài có thể đang là triệu chứng cảnh báo bệnh lý nguy hiểm. Vậy ho khan ngứa cổ là dấu hiệu của bệnh gì? Điều trị như thế nào?
Mục lục
1. Nguyên nhân gây ho khan, ngứa cổ
Ho khan ngứa cổ là triệu chứng rất thường gặp, đặc biệt là khi thời tiết chuyển mùa. Có nhiều nguyên nhân gây ho khan, ngứa cổ, trong đó điển hình là:
- Do các bệnh đường hô hấp như viêm phế quản, viêm họng, viêm xoang, hen suyễn: Đây được xem là nguyên nhân chủ yếu gây ra chứng bệnh ho khan lâu ngày và có khả năng tái phát cao.
- Do mất nước: Khi mất nước thì người bệnh sẽ cảm thấy khô miệng, nước bọt trong cổ họng không đủ để sản xuất, dẫn đến cảm giác ngứa cổ họng gây ho, ho khan từng cơn.
- Do ô nhiễm môi trường: Ngày nay, chất lượng môi trường sống của con người ngày càng trở nên ô nhiễm với bụi bặm, hóa chất độc hại… Những tác nhân này có thể kích ứng tới hệ hô hấp, khí quản… và gây nên hiện tượng ho khan, ngứa cổ, chảy nước mũi.
- Do dị ứng: Có rất nhiều trường hợp bị ho khan ngứa cổ do tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như bụi bẩn, lông vật nuôi, phấn hoa, thay đổi thời tiết…
Tham khảo thêm các bài viết khác:
2. Ho khan ngứa cổ cảnh báo bệnh lý gì?
Khi bị ho khan ngứa cổ, rất có thể bạn đang mắc một trong các bệnh lý sau:
Ho khan ngứa cổ là triệu chứng của bệnh viêm xoang
Khi bị viêm xoang mũi, dịch nhầy ở mũi tiết ra nhiều khiến người bệnh bị ngạt mũi, khó thở. Chứng nghẹt mũi do xoang làm cho người bệnh phải thở bằng miệng khiến cho cổ họng bị khô, rát và ho khan (ho nhiều về đêm). Bên cạnh đó dịch từ những xoang viêm chảy xuống họng gây nên cảm giác vướng, ngứa cổ họng.
Ho khan ngứa cổ có thể là biểu hiện của bệnh hen suyễn
Khi bị hen suyễn, niêm mạc ống phế quản sẽ bị sưng to dẫn đến ống phế quản bị thu hẹp lại, gây ra tình trạng khó thở, khiến người bệnh bị ho khan. Các cơn ho xuất hiện nhiều hơn về đêm.
Ho khan ngứa cổ là biểu hiện của bệnh viêm họng
Khi bị viêm họng, ho và ngứa cổ là triệu chứng đầu tiên mà bạn gặp phải. Kèm theo đó là triệu chứng sưng họng, nhức đầu sổ mũi, có thể sốt nhẹ cho đến sốt cao.
Ho khan ngứa cổ có thể là biểu hiện của bệnh ho gà
Người bị bệnh ho gà thường xuyên cảm thấy mệt mỏi và xuất hiện triệu chứng ho khan là do cơ thể nhiễm khuẩn Bordetella pertussis. Loại vi khuẩn này khi vào đường hô hấp sẽ phát triển ở khí quản, thanh quản và tiết ra độc tố khiến cho vòm họng bị tổn thương.
Ngoài các bệnh kể trên, ho khan ngứa cổ cũng là triệu chứng điển hình của một số loại bệnh lý khác như bệnh trào ngược dạ dày, bệnh cảm lạnh, cảm cúm,…
3. Ho khan ngứa cổ có nguy hiểm không?
Ho khan ngứa cổ có thể tự khỏi từ 5 – 7 ngày, tuy nhiên nếu như tình trạng ho tiếp tục kéo dài mà không được điều trị rất có thể sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:
- Ho khan liên tục kéo dài khiến dây thanh quản bị tổn thương dẫn đến giọng nói bị đổi, đau dây thanh quản.
- Biến chứng về hệ tiêu hóa: Gây buồn nôn, ợ hơi.
- Biến chứng tim mạch: Ho khan nếu kéo dài có thể gây bệnh tăng nguy cơ bị tim mạch.
- Ho khan ngứa cổ lâu ngày khiến người bệnh bị suy nhược cơ thể, mệt mỏi, chán ăn, ngủ không sâu giấc.
4. Bị ho khan ngứa cổ phải làm gì?
Triệu chứng ho khan ngứa cổ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Một số biện pháp dưới đây sẽ giúp giảm triệu chứng ho khan ngứa cổ.
4.1. Chữa ho khan ngứa cổ với thuốc Tây Y
Sử dụng các loại thuốc Tây như thuốc kháng sinh, viên ngậm ho, siro… để chữa chứng ho khan ngứa cổ hiện đang là biện pháp được nhiều người áp dụng nhất. Bởi vì những loại thuốc này sẽ giúp cắt các cơn ho rất nhanh lại tiện dụng. Tuy nhiên, người bệnh cần phải thăm khám và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tránh tự ý dùng thuốc sẽ dẫn đến nhiều tác dụng phụ khó lường, ảnh hưởng đến sức khỏe.
4.2. Chữa ho khan ngứa cổ bằng mẹo dân gian
Trong trường hợp người mắc ho khan ngứa cổ do dị ứng hoặc các bệnh lý hô hấp ở mức độ nhẹ thì có thể áp dụng một số mẹo dân gian điều trị tại nhà. Những phương pháp này có tính an toàn cao, phù hợp sử dụng cho nhiều đối tượng nhau, kể cả trẻ em, phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, mức độ hiệu quả của những bài thuốc này thường không nhanh bằng với thuốc Tây và yêu cầu người bệnh cần phải kiên trì dùng trong thời gian dài.
Người bệnh có thể áp dụng những bài thuốc dân gian như: lê hấp đường phèn, quất chưng mật ong, chữa ho bằng gừng, nước củ cải trắng… để chữa ho khan ngứa cổ rất hữu dụng.
4.3. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa ho khan ngứa cổ
Tình trạng ho khan ngứa cổ thường dễ dàng khởi phát do nhiều nguyên nhân khách quan nên người bệnh cần phải chú ý:
- Phải bổ sung đầy đủ nước ấm cho cơ thể mỗi ngày để cổ họng và khoang miệng không bị khô.
- Giữ ấm cổ họng và cơ thể để tránh bị cảm lạnh sẽ rất dễ gây ra tình trạng viêm phế quản.
- Không nên dùng những thức ăn khô cứng, sắc nhọn để tránh làm tổn thương cổ họng. Đồng thời, nên chú ý bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể để đảm bảo sức khỏe và tăng cường sức đề kháng.
Nếu như các bạn đang gặp phải tình trạng ho khan ngứa cổ kéo dài gây khó chịu, mệt mỏi thì hãy nhanh chóng đi thăm khám để tìm được nguyên nhân và cách điều trị sớm. Như vậy thì mới có thể chấm dứt được bệnh, bảo vệ sức khỏe và tập trung tốt cho công việc, tận hưởng cuộc sống.