Theo y học, ho khan là trình trạng ho nhưng không tiết đờm hoặc dịch nhầy từ trong cổ họng. Triệu chứng này thường kéo dài khó kiểm soát, gây kích thích cổ họng, gây cảm giác nhột, ngứa rát cổ họng, khàn tiếng. Ho khan là triệu chứng thường gặp đặc biệt khi giao mùa, tuy nhiên nếu kéo dài có thể cảnh báo bệnh lý về đường hô hấp nguy hiểm.
Mục lục
1. Ho khan là gì?
Ho khan là tình trạng ho nhưng không tống được đờm hay dịch nhầy ra khỏi đường hô hấp. Người bệnh luôn cảm thấy cổ họng bị ngứa rát, muốn ho liên tục do đường hô hấp bị kích thích. Khi ho khan còn có thể kèm theo các triệu chứng khác như sốt, cơ thể đau nhức, họng sưng, khàn tiếng, đau đầu chóng mặt, đau tức vùng ngực, bụng,…. Ho khan dai dẳng kéo dài có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh về hô hấp nguy hiểm.
Theo các chuyên gia, ho khan là triệu chứng bình thường có thể chữa khỏi. Ho khan thường gặp khi thời tiết thay đổi hoặc thường xuyên làm việc trong môi trường bị ô nhiễm, khói bụi. Tuy nhiên nếu như tình trạng ho dai dẳng kéo dài, cơn ho liên tục không giảm kèm theo các biểu hiện khác của các bệnh về hô hấp thì có thể cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm. Do đó, khi thấy tình trạng ho khan kéo dài, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để thăm khám và được chẩn đoán chính xác nhất.
2. Nguyên nhân gây ho khan
Có nhiều nguyên nhân gây ho khan, trong đó nguyên nhân chính bao gồm cảm lạnh, viêm xoang, viêm mũi dị ứng,… Ho khan không phải bệnh lý nghiêm trọng tuy nhiên nếu không hiểu rõ về nguyên nhân gây ra sẽ dẫn đến khó khăn khi điều trị.
- Ho khan do cảm lạnh: Nguyên nhân hàng đầu gây ra ho khan là mắc chứng cảm lạnh, đặc biệt vào lúc giao mùa. Khi cơ thể bị nhiễm lạnh, vi khuẩn và virus sẽ nhanh chóng xâm nhập và lây lan nhanh trong cổ họng, tấn công vào các cơ quan của hệ hô hấp gây nên triệu chứng ho khan. Khi hết cảm lạnh, triệu chứng này có thể vẫn chưa thuyên giảm mà kéo dài đến vài ngày hoặc 1 tuần.
- Ho khan do bị bệnh hen phế quản: Người bị bệnh hen suyễn sẽ gặp phải các vấn đề về hệ hô hấp như khó thở, ho khan do phổi không được cung cấp đủ lượng oxy cần thiết. Tình trạng này có thể tái đi tái lại nhiều lần, đặc biệt ho nhiều về ban đêm hoặc người bệnh làm việc quá sức.
- Ho khan do bị ho gà: Biểu hiện chính của bệnh ho gà là người bệnh bị ho khan liên tục do khuẩn Bordetella pertussis phát triển mạnh ở vùng khí quản, thanh quản, tiết ra các độc tố khiến cho vòm họng bị tổn thương, luôn cảm thấy ngứa rát. Triệu chứng ho khan có thể kéo dài tới 1 tháng.
- Ho khan do tiếp xúc với môi trường không khí ô nhiễm, khi đó hệ hô hấp phải hít một lượng tương đối lớn các chất độc hại, vi khuẩn, nấm mốc gây nên bệnh ho khan.
- Ho khan do 1 số nguyên nhân khác như bị trào ngược dạ dày, ăn phải các thực phẩm gây kích thích vòm họng, ho khan do thay đổi thời tiết đột ngột, do hút thuốc,….
3. Làm gì khi bị ho khan?
Ho khan có thể tự khỏi nếu được chăm sóc đúng cách, tuy nhiên nếu như ho dai dẳng kéo dài trên 5 ngày kèm theo các triệu chứng của bệnh khác thì người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị. Khi bị ho khan, người bệnh có thể tham khảo một số biện pháp điều trị bằng các loại thảo dược và tự chăm sóc sức khỏe tại nhà dưới đây.
Sử dụng mật ong giúp giảm ho khan
Theo y học cổ truyền, mật ong giống như một loại kháng sinh tự nhiên, có khả năng loại bỏ nấm, vi khuẩn trong cơ thể. Thành phần Albumin và Pantothenic giúp làm tái tạo niêm mạc cổ họng, giảm đau rát cổ họng hiệu quả. Ngoài ra mật ong còn chứa nhiều vitamin và khoáng chất giúp nâng cao sức đề kháng hệ hô hấp. Mật ong có thể kết hợp với tỏi, lá hẹ, gừng, quất hay chỉ cần pha với nước ấm uống cũng sẽ giúp làm giảm ho khan rất tốt.
Sử dụng cát cánh trong bài thuốc chữa ho khan
Theo Đông y, cát cánh có vị hơi ngọt sau đắng, hơi cay, tính ôn quy vào kinh Phế có tác dụng thúc đẩy lưu thông khí phế, khử đàm, chỉ khái, tuyên phế, đề phế khí chuyên dùng các bài thuốc trị ho khan, ho có đờm, viêm họng sưng đau, khàn tiếng.
Các nghiên cứu còn chỉ ra rằng, thành phần Saponin có trong cát cánh còn giúp kích thích tăng tiết dịch ở đường hô hấp làm tan đờm hiệu quả. Thành phần Kikyosaponin có tác dụng phá huyết, tiêu đờm, trừ ho, giảm đau họng, khản tiếng.
Nếu có triệu chứng ho khan, người bệnh có thể dùng 4gr cát cánh khô, 8g cam thảo sắc với 600ml nước cho đến khi cạn còn ⅓ thì chắt lấy nước bỏ bã để uống ngày 2-3 lần sẽ thấy giảm ho.
Sử dụng tỳ bà diệp giúp giảm ho khan
Từ xa xưa, tỳ bà diệp là loại dược liệu quý được sử dụng rất nhiều trong các bài thuốc Đông y để trị ho. Tỳ bà diệp có vị đắng, tính bình, quy kinh Phế Vị, có tác dụng tốt trong trị ho khan, ho có đờm, ho suyễn do nhiệt, bổ phế, dưỡng âm thanh phế.
Theo nghiên cứu của y học hiện đại, trong tỳ bà diệp có chứa chất chống oxy hóa, đặc biệt là nhiều vitamin C, axit oleanolic, caryophylen có tính kháng khuẩn mạnh giúp giảm đau rát cổ họng, trị ho, chống nôn khan.
Sử dụng mơ muối giúp giảm ho khan và khản tiếng
Trong y học, rất nhiều bộ phận trên cây mơ được sử dụng làm vị thuốc chữa bệnh, trong đó quả mơ được sử dụng nhiều nhất. Quả mơ có vị chua chát, tính ôn, quy kinh can, tỳ, phế có tác dụng liễm phổi, trừ đàm, tính kháng khuẩn cao dùng để chữa ho khan, ho có đờm, trị hen suyễn hiệu quả. Mơ tươi khi được muối thành ô mai có vị chua mặn dễ sử dụng tăng tác dụng chữa ho.
Sử dụng rau diếp cá giúp giảm ho khan
Theo đông y, rau diếp cá có vị chua, tính mát, vừa mát gan vừa bổ phổi nên được sử dụng rất nhiều trong các bài thuốc y học cổ truyền trị ho, long đờm, giảm đau rát cổ họng. Y học hiện đại còn chứng minh trong diếp cá có chứa hàm lượng 0,0049% là tinh dầu có tính sát khuẩn cao, trị ho hiệu quả. Khi bị ho khan, chỉ cần uống 2 cốc nước ép rau diếp cá mỗi ngày sẽ giúp giảm ho rất hiệu quả.
Sử dụng lá húng chanh giúp giảm ho khan
Lá húng chanh có vị cay, tính ấm, đặc biệt chứa nhiều tinh dầu (chủ yếu là cavaron) có tác dụng trị ho rất hiệu quả. Khi bị ho khan có thể sử dụng siro húng chanh với quất và đường phèn giúp giảm ho rất hiệu quả.
Sử dụng quả la hán giúp làm giảm ho khan
Theo đông y, quả la hán có tính mát, đi thẳng vào hai kinh phế và đại trường, có tác dụng nhuận phế, lợi hầu, hóa đàm chỉ khát, nhuận tràng thông tiện nên rất hiệu quả để trị ho.
Bên cạnh các thảo dược kể trên, còn rất nhiều loại thảo dược có tác dụng giảm ho khan như lá hẹ, quất,…
Ho khan chỉ là một triệu chứng thông thường của cơ thể đối với một số tác nhân kích ứng, tuy nhiên nó cũng là một dấu hiệu cảnh báo của một số bệnh lý nghiêm trọng. Đặc biệt khi người già hay trẻ nhỏ bị ho khan càng cần phải được điều trị và chăm sóc cẩn thận. Cần cẩn trọng nếu ho khan kéo dài, có kèm theo các triệu chứng khác như sốt, đau tức ngực, khó thở,….
Thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo, bệnh nhân cần đến khám và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc.