Viêm phế quản là một dạng bệnh hô hấp thường gặp mà hầu như ai cũng có nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt là trẻ em, người có sức đề kháng yếu. Vậy nên điều khiến cho nhiều người lo lắng nhất đó là không biết viêm phế quản có lây không và có cách nào để phòng bệnh hay không? Hãy dành thời gian theo dõi thông tin dưới đây để biết được câu trả lời chính xác nhé.
Mục lục
1. Bệnh viêm phế quản có lây không?
Viêm phế quản là tình trạng niêm mạc ống phế quản trong phổi bị viêm, sưng và gây ra những triệu chứng như: ho có đờm, ho dai dẳng, khó thở, tức ngực, mệt mỏi, sốt.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh viêm phế quản như: do virus xuất hiện sau các triệu chứng cảm lạnh hoặc cảm cúm. Hoặc do người bệnh hút thuốc lá, môi trường sống bị ô nhiễm, nhiều bụi và những người có vấn đề về phổi.
Viêm phế quản có lây không? Theo các chuyên gia y tế, viêm phế quản là bệnh về hô hấp có thể lây lan dễ dàng từ người qua người giống như cảm cúm thông thường nếu bệnh ở thể cấp tính.
Nguyên nhân hàng đầu gây bệnh viêm phế quản cấp là do nhiễm virus hợp bào (virus hợp bào RSV, virus cúm, virus Adenovirus), vi khuẩn. Các loại virus hợp bào này có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể người qua đường mắt, mũi, miệng nếu tiếp xúc với dịch đờm nhầy của người bệnh. Thậm chí virus hợp bào còn có thể sống được ở ngoài không khí trong vài phút đến hàng giờ nên nếu tay bạn chạm vào đồ vật chứa mầm bệnh như tay nắm cửa, bàn ghế,… rồi đưa lên mắt, mũi, miệng thì rất có thể sẽ bị lây nhiễm bệnh. Viêm phế quản cấp tính nếu không có bất kỳ biện pháp phòng ngừa hay kiểm soát chặt chẽ thì rất có thể trở thành dịch bệnh.
Đối với thể mãn tính bệnh gần như không lây lan nhưng nếu để tình trạng kéo dài có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
1.1. Bệnh viêm phế quản lây qua đường nào?
Bệnh viêm phế quản cấp tính do virus, vi khuẩn gây ra có thể dễ dàng lây nhiễm từ người sang người, đặc biệt là đối với những người có hệ miễn dịch yếu như trẻ em, người già, phụ nữ có thai, người bị hen suyễn. Bệnh viêm phế quản thường lây qua 2 con đường chính là:
- Lây trực tiếp: Khi người bệnh viêm phế quản ho, hắt hơi hoặc nói chuyện thì những giọt nước bọt hoặc chất nhầy có chứa vi trùng gây bệnh sẽ thoát ra bay lơ lửng trong không khí. Khi người khỏe mạnh ở gần và hít phải, hoặc bắt tay với người nhiễm bệnh rồi đưa lên mắt, mũi, miệng thì sẽ có nguy cơ cao bị mắc bệnh.
- Lây gián tiếp: Khi vi khuẩn gây bệnh theo nước bọt hoặc đờm nhầy của người bệnh khi ho, nói chuyện bắn ra và tồn tại trên một bề mặt nào đó như bát, khăn mặt, tay nắm cửa… Người khỏe mạnh chạm vào bề mặt này rồi đưa lên mũi, miệng của họ thì cũng sẽ có thể bị nhiễm bệnh.
1.2. Các giai đoạn bệnh của người bị lây nhiễm
Khi bị lây nhiễm bệnh viêm phế quản, người bệnh sẽ trải qua 4 giai đoạn sau:
- Giai đoạn ủ bệnh: Thường từ 1 – 3 ngày sau khi nhiễm virus, vi khuẩn từ người bị bệnh. Ở giai đoạn này người bệnh gần như không cảm nhận thấy bất kỳ triệu chứng gì rõ ràng nên sẽ dễ lây cho người khác vì không có biện pháp phòng tránh thích hợp.
- Giai đoạn viêm đường hô hấp trên: Sau thời gian ủ bệnh, các triệu chứng bắt đầu xuất hiện như hắt hơi liên tục, sổ mũi, đau họng, người mệt mỏi, có thể sốt nhẹ. Đây là giai đoạn bệnh rất dễ lây nhiễm sang cho người khác.
- Giai đoạn viêm phế quản cấp: Ở giai đoạn này, triệu chứng điển hình gồm ho nhiều (ho khan và ho có đờm). Cổ họng tiết ra nhiều đờm nhầy có màu trắng đục hoặc màu xanh, vàng. Trường hợp nặng hơn còn xuất hiện ho ra máu kèm triệu chứng đau tức phần xương ngực khi ho. Khi bị ho, vi khuẩn và virus rất dễ phát tán ra ngoài môi trường và lây nhiễm cho người khác.
- Giai đoạn phục hồi: Sau 1 tuần đến 10 ngày, nếu được điều trị, các triệu chứng hô hấp và đau nhức toàn thân sẽ giảm dần và khỏi hẳn. Thời gian khỏi phụ thuộc vào sức đề kháng của mỗi người.
2. Biện pháp phòng tránh sự lây nhiễm bệnh viêm phế quản
Bệnh viêm phế quản có thể lây lan từ người sang người và có thể trở thành dịch bệnh nếu không có biện pháp phòng và kiểm soát bệnh. Một số biện pháp hiệu quả giúp phòng tránh sự lây nhiễm bệnh viêm phế quản:
- Nên tránh tiếp xúc với những người đang bị viêm phế quản sẽ tránh được nguy cơ lây nhiễm hiệu quả. Nếu phải tiếp xúc với người bệnh hoặc đến nơi đông người thì bạn hãy mang khẩu trang sẽ giúp giảm nguy cơ nhiễm virus với người đang bị bệnh.
- Thường xuyên rửa tay với xà bông để loại bỏ vi khuẩn, virus lây nhiễm và đồng thời, vệ sinh nhà cửa, nơi sống sạch sẽ nhằm đẩy lùi tác nhân gây bệnh viêm phế quản.
- Hạn chế hút thuốc và tránh tiếp xúc với khói thuốc lá, thuốc lào vì chúng là một trong những nguyên nhân gia tăng nguy cơ bị nhiễm viêm phế quản và nhiều chứng bệnh khác.
- Chú ý giữ ấm cơ thể, uống nhiều nước ấm trong thời tiết lạnh, giao mùa sẽ giúp ngăn ngừa nhiễm lạnh cho cơ thể và hạn chế bị bệnh viêm phế quản.
- Ngoài ra, các bạn còn cần tăng cường bổ sung đầy đủ các loại dưỡng chất, vitamin để nâng cao sức đề kháng của cơ thể, phòng ngừa tác nhân gây bệnh tấn công.
- Đặc biệt, mỗi người cần phải thực hiện đủ việc tiêm vacxin phòng cúm hàng năm sẽ giúp giảm được tối đa nguy cơ mắc bệnh cũng như mức độ bị bệnh khi gặp phải.
Bệnh viêm phế quản có thể dễ dàng lây lan trong đợt cấp nếu không phát hiện và có biện pháp phòng tránh, điều trị kịp thời. Đặc biệt nếu để bệnh viêm phế quản cấp kéo dài có thể sẽ chuyển sang thể mãn tính, khó khăn trong việc điều trị. Bài viết trên đây chỉ mang tính chất tham khảo về “Viêm phế quản có lây không“, không thay thế việc chẩn đoán và chữa bệnh.