Cổ họng nổi hạt đỏ có thể chỉ là biểu hiện bình thường của bệnh viêm họng hạt. Tuy nhiên trong một số trường hợp, nó cũng có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý nguy hiểm khác như ung thư vòm họng. Khi thấy họng nổi hạt đỏ, đừng bỏ qua bài viết dưới đây.
Mục lục
1. Cổ họng nổi hạt đỏ là biểu hiện của bệnh gì?
Cổ họng là vị trí ngã ba giao giữa đường ăn và đường thở, ở trên thông với mũi, ở dưới thông với thực quản và thanh quản, do đó rất dễ bị tổn thương. Các triệu chứng xuất hiện ở cổ họng là dấu hiệu nhận biết sớm nhiều bệnh lý mà cơ thể đang mắc phải. Trong đó cổ họng nổi hạt đỏ là triệu chứng điển hình của nhiều bệnh lý liên quan đến đường hô hấp như viêm họng hạt, viêm amidan, áp xe thành họng,…
1.1. Cổ họng nổi hạt đỏ do bị viêm họng hạt
Thông thường, khi thấy cổ họng nổi hạt đỏ, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến bệnh viêm họng hạt. Xuất hiện hạt đỏ hoặc hồng ở niêm mạc họng, kích thước to, nhỏ khác nhau là triệu chứng điển hình của bệnh viêm họng hạt và viêm họng hạt ở lưỡi. Ngoài ra, người bệnh viêm họng hạt còn thấy xuất hiện các triệu chứng khác như sốt nhẹ, ngứa rát cổ họng, ho khan hoặc ho có đờm, đau họng, khó nuốt.
Viêm họng hạt gây nổi hạt đỏ ở cổ thường không gây nguy hiểm đến tính mạng, có thể điều trị khỏi trong khoảng 7 – 10 ngày. Điều quan trọng là bệnh nhân cần đi khám sớm và tuân thủ đúng phác đồ điều trị bệnh của bác sĩ, tránh để bệnh diễn tiến nặng, gây biến chứng nguy hiểm.
1.2. Cổ họng nổi hạt đỏ do bị viêm amidan
Viêm amidan là bệnh thường gặp, đặc biệt ở độ tuổi từ 5 – 15 tuổi. Thông thường, nguyên nhân chính gây bệnh là do virus gây ra, tuy nhiên trong một số trường hợp người bệnh có bệnh lý viêm họng hạt cũng sẽ dẫn đến viêm amidan. Bệnh viêm amidan do bị viêm họng hạt từ trước sẽ có biểu hiện điển hình là cổ họng nổi hạt đỏ, kèm theo các khối nhiệt, sưng amidan. Khi khối amidan bị tổn thương lâu ngày sẽ khiến hạt đỏ trong cổ họng bị mưng mủ và vỡ ra, xuất hiện triệu chứng ho ra máu hoặc khạc đờm có máu.
Khi bị viêm amidan kèm theo triệu chứng cổ họng nổi hạt đỏ thường không nguy hiểm, tuy nhiên nếu để tình trạng viêm, sưng tấy kéo dài sẽ khiến thanh quản bị ảnh hưởng nặng nề, gây tổn thương động mạch tại cổ và nhiều biến chứng khác.
1.3. Cổ họng nổi hạt đỏ do áp xe thành họng
Cổ họng nổi hạt đỏ cũng có thể là triệu chứng điển hình khi bạn bị áp xe thành họng. Tình trạng áp xe không chỉ gây đau họng nghiêm trọng, khiến cổ họng bị nổi hạt đỏ mà người bệnh còn luôn cảm thấy mệt mỏi, cứng quai hàm, hôi miệng, mất vị giác.
Nguy hiểm hơn, nếu không điều trị kịp thời, tình trạng áp xe trở nên nghiêm trọng ho hơn gây tình trạng khó thở, khí hàm, khó khăn khi nói chuyện. Ổ áp xe lan rộng còn có thể gây tử vong do vi khuẩn gây nhiễm độc nặng vào các bộ phận xung quanh, làm ngạt thở.
1.4. Cổ họng nổi hạt đỏ do ung thư vòm họng
Ở giai đoạn đầu, bệnh ung thư vòm họng thường không có biểu hiện đặc trưng, dễ lầm tưởng với bệnh viêm họng thông thường. Biểu hiện đầu tiên thường thấy là cổ họng nổi hạt đỏ, kèm theo đau rát họng, ho, cơ thể luôn mệt mỏi, suy nhược.
Ung thư vòm họng là bệnh lý nguy hiểm, diễn tiến nhanh và thầm lặng. Khi thấy cổ họng nổi hạt đỏ kèm ho nhiều và sụt cân không rõ lý do, nếu người bệnh không đi khám bệnh sẽ rất nhanh chuyển sang giai đoạn di căn, gây nguy hiểm đến tính mạng.
1.5. Cổ họng nổi hạt đỏ do bị sùi mào gà
Sùi mào gà là bệnh xã hội, lây qua đường tình dục. Nguyên nhân chính gây bệnh là do quan hệ không lành mạnh, lây nhiễm virus HPV từ người bị bệnh sang người khỏe mạnh. Sùi mào gà thường gây ra các triệu chứng khó nuốt, cổ họng nổi hạt đỏ như chùm trứng cá. Trong hạt có chứa dịch, kích thước sẽ lớn dần lên gây khó khăn khi ăn uống và nói chuyện. Nếu để lâu, hạt sưng to và vỡ ra gây viêm loét, nhiễm trùng.
Cổ họng nổi hạt đỏ do sùi mào gà rất nguy hiểm, hiện chưa có thuốc điều trị triệt để nên gần như không thể chữa khỏi bệnh.
2. Cổ họng nổi hạt đỏ khi nào cần đi khám?
Khi thấy cổ họng nổi hạt đỏ, người bệnh thường hoang mang không biết nên xử lý như thế nào, có cần đi khám hay không. Theo các chuyên gia y tế, nổi hạt đỏ ở cổ họng là biểu hiện của các bệnh lý đường hô hấp, có thể là tình trạng nhẹ tuy nhiên cũng có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây nguy hiểm đến tính mạng.
Nếu thấy cổ họng nổi hạt đỏ, có thể kèm theo các triệu chứng viêm họng cơ bản như đau rát họng, ho; các hạt đỏ biến mất sau khoảng 3 – 5 ngày thì không cần quá lo lắng. Người bệnh có thể thực hiện các biện pháp chăm sóc giảm nhẹ triệu chứng tại nhà.
Ngược lại, nếu cổ họng nổi hạt đỏ kèm theo nhiều triệu chứng bất thường, các hạt ngày càng nhiều và kích thước có thể to dần lên, bác sĩ chuyên khoa khuyên bạn nên đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị. Các biểu hiện bất thường bao gồm:
- Cổ họng nổi hạt kèm hôi miệng kéo dài.
- Sốt cao, cơ thể luôn mệt mỏi, sụt cân không rõ lý do.
- Cổ họng bị sưng kèm theo khó thở.
- Đau rát cổ họng kèm theo ho ra mủ hoặc máu.
3. Chăm sóc khi cổ họng nổi hạt đỏ
Khi thấy cổ họng nổi hạt đỏ, người bệnh không nên quá lo lắng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Điều đầu tiên bạn cần làm là theo dõi trình trạng nổi hạt và các triệu chứng đi kèm. Nếu có các dấu hiệu nguy hiểm đã nói ở trên thì cần đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị. Song song với việc tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, người bệnh cũng có thể chăm sóc tại nhà để giảm triệu chứng của bệnh.
3.1. Đi khám khi cổ họng nổi hạt đỏ
Tình trạng cổ họng nổi hạt đỏ nếu kèm theo các dấu hiệu nguy hiểm như sốt cao, ho có mủ hoặc ho ra máu, khó thở, người bệnh cần đi khám sớm để các bác sĩ có thể chẩn đoán và lên phác đồ điều trị bệnh phù hợp. Tùy vào từng nguyên nhân gây nổi nốt đỏ ở cổ, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị.
3.2. Chăm sóc khi xuất hiện tình trạng cổ họng nổi hạt đỏ
Tình trạng nổi hạt đỏ ở cổ họng có thể điều trị được nếu tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ kết hợp với các biện pháp chăm sóc giảm nhẹ triệu chứng tại nhà. Các biện pháp chăm sóc bao gồm:
- Súc họng, miệng bằng nước muối sinh lý: Nước muối sinh lý có tác dụng sát khuẩn, kháng viêm rất tốt. Khi cổ họng nổi hạt đỏ, người bệnh nên súc họng miệng bằng nước muối sinh lý ngày ngày 5 – 7 lần để loại bỏ tác nhân gây bệnh tồn tại trong cổ họng. Nên sử dụng nước muối ấm sẽ cho hiệu quả tốt nhất.
- Không dùng tay hay bất cứ vật dụng nào tác động vào vùng bị nổi hạt, tránh làm vỡ hạt gây tình trạng viêm, nhiễm trùng niêm mạc họng.
- Ăn thức ăn mềm, dễ nuốt: Tình trạng cổ họng nổi hạt đỏ thường kèm theo triệu chứng đau rát họng, khó nuốt. Người bệnh nên ăn các loại thức ăn dạng lỏng như cháo, súp hoặc nấu thức ăn mềm để dễ nuốt và dễ tiêu hóa.
- Không ăn đồ cay nóng; không sử dụng chất kích thích như rượu, bia, cafe; không ăn, uống đồ lạnh tránh làm tình trạng nổi hạt trở nên nghiêm trọng hơn.
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, uống đủ 2 lít nước trong ngày. Nên uống nước ấm.
- Hạn chế la hét to hoặc nói quá nhiều.
4. Biện pháp phòng tình trạng cổ họng nổi hạt đỏ
Nổi hạt đỏ ở cổ thông thường không quá nguy hiểm, có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên khi bị nổi hạt lại thường gây khó chịu cho người bệnh, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Ở một số người, tình trạng cổ họng nổi hạt đỏ còn dễ tái đi tái lại nhiều lần. Chính vì vậy cần có các biện pháp phòng ngừa ngăn tình trạng nổi hạt đỏ ở cổ họng.
- Duy trì sức khỏe răng miệng: Đánh răng, súc họng miệng sẽ giúp loại bỏ vi khuẩn, virus gây bệnh ra khỏi vùng họng miệng, phòng bệnh về đường hô hấp hiệu quả.
- Không hút thuốc lá, thuốc lào hoặc tránh xa nơi có khói thuốc lá, thuốc lào.
- Luôn đeo khẩu trang tại nơi công cộng hoặc tại nơi ô nhiễm không khí, nhiều khói bụi.
- Duy trì thói quen uống nước ấm, đặc biệt vào mỗi buổi sáng khi ngủ dậy để tăng đề kháng cho hệ hô hấp.
- Tập thể dục, tăng cường sức đề kháng cho hệ hô hấp
- Hạn chế ăn đồ ăn chế biến sẵn, đồ chiên, xào, rán; hạn chế dùng đồ uống có chứa chất kích thích; không ăn, uống đồ lạnh.
Cổ họng nổi hạt đỏ là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý liên quan đến hệ hô hấp. Tình trạng này thường không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây khó chịu cho người bệnh. Do đó, nếu thấy xuất hiện tình trạng nổi nốt đỏ ở cổ họng, người bệnh nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị.