Tắc chưng đường phèn là một trong những bài thuốc trị ho, viêm họng rất hiệu quả được sử dụng từ bao đời nay. Thay vì sử dụng các loại thuốc kháng sinh có thể gây nhiều tác dụng phụ thì cách trị ho bằng siro tắc chưng đường phèn rất an toàn, có thể sử dụng được cho cả người lớn và trẻ em, an toàn cho cả phụ nữ mang thai.
Mục lục
1. Tắc chưng đường phèn có tác dụng gì?
Trái tắc (hay còn gọi là quả quất, quả hạnh) là loại cây ăn quả phổ biến tại Việt Nam. Tắc thuộc họ nhà cam, quả nhỏ, vị chua, vỏ hơi đắng, có tính ấm nên được dùng rất nhiều trong các bài thuốc trị bệnh, điển hình là trị ho, viêm họng. Sử dụng tắc chưng đường phèn là cách trị ho đơn giản, được giới thiệu trong nhiều chuyên mục cẩm nang sức khỏe thực tế.
- Theo Đông y, tắc có vị chua, vỏ hơi đắng, tính ấm nên rất hiệu quả để trị ho, trừ đờm, giảm triệu chứng của bệnh viêm họng, giải cảm.
- Theo Y học hiện đại trong trái tắc có chứa hàm lượng vitamin C rất cao giúp phòng ngừa và điều trị các nhiễm trùng trên đường hô hấp, hỗ trợ điều trị bệnh viêm họng, giảm ho khan, đau rát cổ họng. Hàm lượng vitamin C có trong quất cũng giúp làm giảm nhẹ các triệu chứng khi bị cảm lạnh.
- Trong vỏ quất có lượng flavonoid cao hơn so với trong cùi, có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm hiệu quả. Hợp chất Phytosterol được tìm thấy nhiều trong quất có cấu trúc hóa học gần giống như cholesterol giúp ngăn chặn sự hấp thụ cholesterol trong cơ thể, giảm cholesterol trong máu.
- Hàm lượng tinh dầu cao trong quất có tác dụng chống oxy hóa, kháng khuẩn, chống viêm nhiễm, làm dịu các cơn ho.
- Đường phèn lại có vị ngọt, tính bình, quy kinh tỳ phế có tác dụng bổ phế, chỉ khái trừ đàm rất tốt cho những người bị ho khan, ho có đờm, đau rát cổ họng.
Khi kết hợp chung tắc với đường phèn sẽ giúp cân bằng vị giác, nâng cao tác dụng chữa ho khan, ho có đờm, viêm họng cho cả người lớn và trẻ em. Tắc chưng đường phèn trị ho cho bé, trị ho cho bà bầu rất hiệu quả.
Ngoài tác dụng trị ho, tắc chưng đường phèn còn giúp nâng cao sức đề kháng, tăng cường chức năng của hệ miễn dịch, hỗ trợ ức chế virus gây cảm lạnh.
Tham khảo thêm các cách trị ho khác:
2. Hướng dẫn cách làm siro tắc chưng đường phèn trị ho không bị đắng
Siro tắc chưng đường phèn rất hiệu quả để trị ho, dễ làm tại nhà, tuy nhiên không phải ai khi làm cũng thành công do tắc thường bị đắng sau khi chưng. Khi làm siro, việc sơ chế hay các bước chưng cũng đều rất quan trọng.
2.1. Chọn và sơ chế nguyên liệu trước khi làm tắc chưng đường phèn
Bí quyết làm siro tắc chưng đường phèn không bị đắng chính là nằm ở bước chọn và sơ chế nguyên liệu.
Các nguyên liệu chính cần chuẩn bị khi làm tắc chưng đường phèn bao gồm:
- Tắc vàng 300g (hoặc tùy theo số lượng cần sử dụng). Chọn quả tắc hình dáng cân đối, màu ngả vàng căng mọng nước, cuống còn tươi, khi bóp cảm thấy mềm nhẹ và có tinh dầu. Không nên chọn trái tắc quá non, vỏ còn xanh vì thường tắc non sẽ cho rất ít nước và chưng lên sẽ hay bị đắng, khó ăn.
- Đường phèn hạt nhỏ hoặc dạng tinh 150g. Nếu dùng đường phèn dạng cục thì nên đập nhỏ trước khi trộn chung với tắc.
- 3 thìa muối hạt, nước đun sôi để nguội, 5g muối tinh, tô, xoong nhỏ.
Sơ chế nguyên liệu trước khi làm tắc chưng đường phèn:
- Tắc sau khi mua về sơ chế sạch phần cuống, rửa qua nước để làm sạch bụi bẩn rồi cho vào tô.
- Thêm 3 thìa muối hạt rồi dùng tay chà xát nhẹ khoảng 5 phút rồi vớt ra rửa lại với nước lọc từ 2 – 3 lần và để ráo. Chà xát tắc với muối hạt sẽ giúp làm tắc ra bớt nhựa, giảm vị đắng của vỏ.
Có 2 cách làm tắc chưng đường phèn đơn giản và hiệu quả nhất đó là chưng theo kiểu truyền thống và chưng cách thủy.
2.2. Cách làm tắc chưng đường phèn truyền thống không đắng
Với cách làm truyền thống, 1 lần làm bạn có thể cho vào bình thủy tinh để ngăn mát tủ lạnh sử dụng dần trong nhiều ngày.
Bước 1: Sơ chế tắc
Dùng dao cắt đôi quả tắc, đặt 1 chiếc rây nhỏ lên miệng bát sau đó vắt lấy nước cốt, bỏ hạt.
Vỏ quất sau khi vắt xong giữ lại, có thể để nguyên hoặc thái sợi nhỏ để chưng cùng phần nước cốt.
Bước 2: Ướp hỗn hợp tắc chưng đường phèn
Cho nước cốt tắc, vỏ tắc và đường phèn, muối tinh vào trộn đều rồi ướp khoảng 3 – 4 tiếng cho đường phèn và muối tinh tan hết, vỏ tắc ngấm đường.
Bước 3: Chưng tắc
Cho hỗn hợp vào nồi nhỏ, đun lửa liu riu, khuấy đều tay khoảng 5 phút cho đến khi thấy hỗn hợp sánh lại thì tắt bếp. Trong khi chưng, nhớ khuấy và đảo đều để quất ngấm đường phèn.
Bước 4: Bảo quản và sử dụng siro tắc chưng đường phèn
Để nguội rồi cho siro vào lọ thủy tinh, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, mỗi khi bị ho lấy ra pha với nước để dùng. Mỗi lần dùng khoảng 2 thìa cafe uống trực tiếp hoặc pha với nước ấm, ngày uống 2 – 3 lần vào sáng tối.
Với cách làm này, cần lưu ý loại bỏ hết phần hạt tắc vì trong hạt cũng có vị hăng đắng, khi chưng lên sẽ làm siro có vị hơi nhặng. Siro tắc chưng đường phèn có thể bảo quản trong ngăn mát được khoảng 3 tháng.
2.3. Cách làm tắc chưng đường phèn cách thủy
Với cách chưng cách thủy, bạn chỉ nên sử dụng một lượng tắc nhỏ khoảng 4 – 5 quả chưng và dùng trong ngày.
Bước 1: Sơ chế
Tắc sau khi sơ chế cắt làm đôi hoặc thái lát mỏng rồi cho vào bát con.
Bước 2: Ướp tắc với đường phèn
Cho khoảng 1 thìa cafe đường phèn vào bát trộn đều với tắc, ướp khoảng 30 phút. Để tăng hiệu quả có thể cho thêm vài lát gừng, 1 thìa cafe mật ong trộn cùng (nếu có).
Bước 3: Hấp cách thủy
Cho bát tắc đường phèn vào hấp cách thủy khoảng 15 – 20 phút hoặc cho vào nồi cơm đang sôi để hấp. Chú ý phần nước trong xoong không quá 1/2 chiều cao của bát để tránh bị trào nước vào bát quất hấp.
Bước 4: Sử dụng tắc chưng đường phèn
Sau khi hấp xong, để nguội, chắt lấy nước uống ngày 2 – 3 lần. Phần vỏ quất có thể dùng để ngậm mỗi khi bị ho. Nên dùng hết trong ngày. Nếu dùng cho trẻ em nên pha loãng với nước ấm cho trẻ uống.
3. Những lưu ý khi sử dụng tắc chưng đường phèn trị ho
Tắc chưng đường phèn trị ho cho bé, trị ho cho bà bầu hay cho người lớn đều rất hiệu quả và an toàn. Tuy nhiên để phát huy tối đa hiệu quả của bài thuốc này cần lưu ý:
- Khi làm tắc chưng đường phèn trị ho, nên loại bỏ hết phần hạt để giảm vị đắng.
- Siro tắc chưng đường phèn trị ho sẽ phát huy hiệu quả tối đa khi dùng liên tục trong vòng 3 – 4 ngày. Tuy nhiên nếu dùng liên tục khoảng 1 tuần mà không thấy giảm ho, giảm đờm, thậm chí bệnh còn nặng thêm thì nên đi thăm khám để được chẩn đoán và điều trị.
- Tắc chưng đường phèn có tác dụng rất tốt để trị cho cho bé nhưng tuyệt đối không tự ý dùng cho trẻ sơ sinh. Khi trẻ sơ sinh bị ho, mẹ nên tham vấn ý kiến của bác sĩ trước khi dùng bất cứ phương pháp điều trị nào bởi nếu tự ý dùng siro quất hấp đường phèn có thể sẽ khiến trẻ bị tiêu chảy, đau bụng, rối loạn tiêu hóa.
- Khi bị ho do các bệnh lý hô hấp mãn tính như viêm phế quản mãn tính, tắc nghẽn phổi mãn tính, hen suyễn nên đi thăm khám trước khi dùng.
- Ngoài sử dụng để trị ho, bạn có thể dùng tắc chưng đường phèn pha với nước ấm uống giải khát, thanh nhiệt.
Siro tắc chưng đường phèn trị ho đã được sử dụng từ rất lâu và được chứng minh về tính hiệu quả, an toàn. Tuy nhiên, cách chữa ho này sẽ chỉ phù hợp cho những người bị ho nhẹ, mới chớm ho hoặc không phải ho do các bệnh lý mãn tính gây nên. Theo các bác sĩ, tốt nhất khi bị ho, bạn nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị.