Lê chưng đường phèn trị ho là phương pháp trị ho hiệu quả và an toàn, đặc biệt có thể dùng cho cả trẻ nhỏ và mẹ bầu. Trong bài viết này, Bổ Phế Nam Hà sẽ chia sẻ cho bạn cách làm lê hấp đường phèn giảm ho hiệu quả.
Mục lục
1. Tác dụng của lê chưng đường phèn
Quả lê hay còn được gọi là mật văn, khoái quả, ngọc nhũ. Quả lê là một trong những siêu trái cây cung cấp nguồn vitamin và khoáng chất dồi dào cho cơ thể. Bên cạnh đó quả lê còn được biết đến như một vị thuốc quý, có tác dụng chữa bệnh, đặc biệt là trị ho rất hiệu quả ở cả người lớn và trẻ em.
Chữa ho bằng quả lê có thể áp dụng nhiều cách, trong đó lê chưng đường phèn (lê hấp đường phèn) là cách làm đơn giản, cho hiệu quả cao.
- Theo Đông y, quả lê có vị ngọt, tính mát, có tác dụng nhuận phế, sinh tân dịch, trừ đờm, giảm ho, thanh nhiệt giải độc, giải nhiệt hệ hô hấp rất hiệu quả. Lê còn có tác dụng giảm đau rát cổ họng, giảm mất nước do sốt cao.
- Theo nghiên cứu của Y học hiện đại, trong quả lê có chứa hàm lượng chất chống oxy hóa flavonoid cao, giàu vitamin A, vitamin C, vitamin K có tác dụng kháng viêm, giảm sưng đau do viêm, rất tốt cho người bị ho, viêm họng. Khi kết hợp chung với đường phèn, bài thuốc lê chưng đường phèn sẽ phát huy hiệu quả tối đa.
- Hàm lượng vitamin C, vitamin K có trong quả lê hoạt động như một chất chống oxy hóa giúp sản sinh tế bào bạch cầu, làm cho hệ thống miễn dịch mạnh hơn giúp cơ thể nhanh khỏi bệnh.
2. Cách làm lê chưng đường phèn trị ho
Lê chưng đường phèn là một trong những cách chữa ho hiệu quả cho cả người lớn và trẻ em. Bạn có thể sử dụng nguyên liệu chỉ là quả lê và đường phèn hoặc có thể thêm một số dược liệu khác như kỷ tử, táo tàu,…
2.1. Cách làm lê chưng đường phèn trị ho cho bé
Nếu như nhà bạn có con nhỏ, đang bị ho, có thể áp dụng cách làm lê hấp đường phèn dưới đây để trị ho cho bé.
Bước 1: Chuẩn bị và sơ chế nguyên liệu
- Chuẩn bị 1 quả lê tươi, đường phèn (nên chọn loại hạt nhỏ), 1 bát con, 1 ít muối hạt.
- Lê rửa sạch, ngâm với 1 ít nước muối pha loãng sau đó rửa sạch để ráo nước.
- Lấy dao nhỏ cắt ngang khoảng ⅓ quả sau đó dùng thìa nạo phần cùi bên trong nửa to (lưu ý chỉ nạo 1 phần để cho đường phèn vào giữa, không nạo hết cùi).
- Cho đường phèn vào giữa quả lê, sau đó dùng nửa nhỏ đậy nắp lại.
Bước 2: Chưng lê và đường phèn
- Cho quả lê vào bát con, để vào nồi hấp cách thủy lửa nhỏ cho đến khi thấy lê chín mềm, đường bên trong tan hết là được.
Mỗi khi bị ho, bạn nên ăn ngày 1 – 2 quả lê hấp đường phèn, ăn cả cái và nước để tăng hiệu quả. Với các bé nhỏ, chưa nhai được, mẹ có thể dùng rây nghiền phần ruột lê cho bé ăn. Lê hấp đường phèn có thể dùng được cho bé trên 6 tháng.
2.2. Cách làm lê chưng đường phèn và kỷ tử trị ho
Lê chưng đường phèn và kỷ tử không chỉ là bài thuốc chữa ho rất hiệu quả mà nó còn có tác dụng thanh nhiệt cho cơ thể. Lê hấp đường phèn cho thêm kỷ tử sẽ giúp tăng thêm hương vị cho món ăn bên cạnh đó còn giúp tăng cường hệ miễn dịch, phòng cảm cúm rất tốt.
Bước 1: Chuẩn bị và sơ chế nguyên liệu
2 quả lê; 1,5 thìa cafe đường phèn, 1 thìa cafe kỷ tử, 1 bát sứ nhỏ, nồi hấp.
Lê đem rửa sạch, ngâm với 1 ít nước muối pha loãng để loại bỏ hết bụi bẩn. Kỷ tử rửa qua nước rồi để ráo. Dùng dao cắt ngang phần cuống đến ⅕ quả sau đó dùng thìa hoặc đầu nhọn của dao nạo bỏ bớt phần lõi bên trong.
Bước 2: Chưng lê với đường phèn và kỷ tử
Chia đôi lượng đường phèn và kỷ tử cho vào trong 2 quả lê vừa cắt, sau đó đậy nắp lại rồi đặt vào trong bát sứ, cho vào nồi hấp.
Đặt nồi lên bếp hấp nhỏ lửa 1 tiếng cho đến khi thấy lê chín mềm, đường bên trong tan hết thì tắt bếp.
Món lê hấp đường phèn, kỷ tử có thể ăn ngay lúc còn ấm hoặc để nguội cắt thành nhiều miếng nhỏ, ăn cả cái lẫn nước mỗi khi bị ho. Lưu ý, không dùng bài thuốc này để trị ho cho trẻ em dưới 1 tuổi.
2.3. Cách làm lê chưng đường phèn và táo tàu trị ho
Táo tàu có tính ôn, vị ngọt, có tác dụng bổ tỳ vị, dưỡng huyết an thần được dùng trong nhiều bài thuốc Đông y giúp tăng cường hệ miễn dịch, phòng tránh bệnh cảm cúm. Lê chưng đường phèn và táo tàu không chỉ giúp trị ho mà còn giúp bồi bổ cho cơ thể.
Bước 1: Chuẩn bị và sơ chế nguyên liệu
Nguyên liệu: 2 quả lê, 20g đường phèn, 6-8 quả táo đỏ khô, 2 lát gừng mỏng, 1 miếng quế, bát nhỏ, nồi hấp.
Rửa sạch lê, táo đỏ với nước lọc, sau đó ngâm lê với nước muối pha loãng khoảng 5 phút rồi vớt ra để ráo nước. Dùng dao cắt ngang phần đầu quả lê (khoảng ⅕ quả) rồi khoét lấy một phần ruột bên trong.
Táo đỏ và ruột lê vừa nạo bỏ hạt, gừng thái sợi nhỏ.
Bước 2: Chưng lê
Cho toàn bộ táo đỏ, ruột lê, gừng thái sợi vào trong lõi quả lê sau đó cho đường phèn lên trên rồi đậy nắp quả lê lại (chia đều cho 2 quả).
Đặt lê vào bát hoặc đĩa sứ, cho vào nồi, hấp cách thủy lửa nhỏ khoảng 40 phút cho tới khi lê chín mềm thì tắt bếp.
Lê chưng đường phèn, táo tàu và gừng có mùi thơm đặc trưng. Khi bị ho cắt nhỏ quả lê, trộn đều các nguyên liệu bên trong, ăn cả cái và nước. Sử dụng lê hấp đường phèn với táo tàu liên tục trong khoảng 3 – 5 ngày sẽ thấy hiệu quả giảm ho rõ rệt. Lưu ý, với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng.
Lê chưng đường phèn là một trong những bài thuốc trị ho được nhiều người áp dụng, an toàn cho trẻ nhỏ và phụ nữ có thai. Tuy nhiên, bài thuốc trị ho này chỉ có tác dụng hỗ trợ giảm triệu chứng ho ở giai đoạn đầu, mới chớm ho, không thể thay thế hoàn toàn thuốc đặc trị nếu bệnh tiến triển nặng. Khi bị ho dai dẳng lâu ngày có thể kèm theo các triệu chứng khác, bạn nên đi khám để được bác sĩ hướng dẫn.