Ho không phải là bệnh, mà là triệu chứng của nhiều bệnh. Ho là một phản ứng tự nhiên có lợi của cơ thể để bảo vệ đường hô hấp, khi bị kích thích hoặc viêm. Trong bài viết này chúng tôi sẽ cung cấp những thông tin về nguyên nhân bị ho dai dẳng và biện pháp phòng tránh hợp lý.
Mục lục
1. Nguyên nhân bị ho dai dẳng bạn nên biết
Tình trạng ho có thể hết sau khi điều trị, tuy nhiên cũng có những trường hợp bị ho dai dẳng không khỏi, lúc này người bệnh cần đi khám để tìm rõ nguyên nhân và có hướng điều trị đúng cách.
1.1. Thế nào là bị ho dai dẳng?
Khi cổ họng của bạn bị mắc các dị vật, đường thở bị bít tắc bởi các chất dịch nhầy, đờm do bệnh lý phế quản gây nên, sẽ xuất hiện triệu chứng ho nhằm đẩy các dị vật đó ra khỏi cơ thể. Ngoài ra, ho còn có thể là biểu hiện của bệnh lý khác.
Việc ho dai dẳng là tình trạng ho lâu ngày không khỏi, tái phát nhiều lần, khiến bạn mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ… bạn nên đi khám để được điều trị kịp thời.
1.2. 7 nguyên nhân bị ho dai dẳng
Ho dai dẳng là triệu chứng rất hay gặp, ảnh hưởng đến sinh hoạt, giấc ngủ và gây tâm lý mệt mỏi cho người mắc phải. Có những trường hợp nặng dẫn đến nôn, chóng mặt… Cùng tìm hiểu những nguyên nhân để có cách điều trị phù hợp.
– Nhiễm trùng đường hô hấp trên
Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra ho dai dẳng. Nhiễm trùng đường hô hấp trên thường do virus, vi khuẩn và kéo dài hơn một tuần. Không chỉ có triệu chứng là ho, còn có một số triệu chứng khác như sốt, chảy nước mũi, đau đầu, mệt mỏi…
– Bị ho dai dẳng do chảy dịch mũi sau
Khi cơ thể của bạn sản sinh ra lượng chất nhầy quá mức, hiện tượng chảy dịch mũi sau xảy ra. Sau đó chất dịch chảy xuống sau cổ họng, kích thích dây thần kinh và gây ra phản ứng ho.
Khi ho sẽ xuất hiện đờm hoặc không có đờm, triệu chứng nặng hơn vào ban đêm. Bạn sẽ có cảm giác ngứa cổ, hắt hơi, mắt bị ngứa và chảy nước.
– Hen phế quản hay còn gọi là hen suyễn
Hen phế quản là bệnh lý mãn tính ảnh hưởng nhiều đến đường hô hấp, gây viêm đường hở và luồng không khí vào phổi cũng bị hạn chế. Tình trạng ho dai dẳng ở hen phế quản thường kèm theo các triệu chứng thở khò khè, tức ngực và nặng hơn vào ban đêm hoặc sau khi tập thể dục.
– Trào ngược dạ dày thực quản
Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra ho mãn tính. Hiện tượng này thường xảy ra khi axit từ dạ dày bị rò rỉ trở lại vào đường ống thực phẩm. Ngoài việc gây ra ho dai dẳng, người bệnh còn gặp phải các triệu chứng khác như ợ nóng, ợ chua và nặng hơn khi nằm xuống vào ban đêm.
– Bị ho dai dẳng do viêm phổi
Viêm phổi là một bệnh lý có các triệu chứng sốt, ớn lạnh, run rẩy, khó thở và ho nhiều. Bệnh này thường do virus, vi khuẩn gây ra, rất nguy hiểm nhất là người già và trẻ nhỏ.
– Ho gà
Ho gà có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi từ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người trưởng thành đến người già. Triệu chứng xuất hiện sau khi nhiễm trùng khoảng 5-10 ngày. Ban đầu có thể bị sổ mũi, ho nhẹ, sốt nhẹ, ngừng thở ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, sau khi bệnh tiến triển nặng hơn, có thể gây ra hiện tượng co giật, ho nhanh, nôn…
– Hút thuốc lá
Những trường hợp hút thuốc lá, thuốc lào lâu năm hoặc những người ngửi phải khói thuốc lá cũng có thể mắc bệnh về phổi, dẫn đến hiện tượng ho dai dẳng lâu ngày.
Để xác định được nguyên nhân gây ho dai dẳng, bạn cần gặp bác sĩ để thăm khám, chẩn đoán và có cách điều trị hiệu quả nhất.
2. Biện pháp phòng bị ho dai dẳng tái phát
Ho dai dẳng gây khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, ngoài việc nên gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị, thì việc phòng tránh các bệnh gây nên triệu chứng ho cũng quan trọng không kém.
2.1. Tránh xa khói thuốc
Bạn cần tránh xa khói thuốc vì đây là nguyên nhân chính ảnh hưởng trực tiếp đến lá phổi, gây ra ho dai dẳng lâu ngày không khỏi.
2.2. Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh
Hạn chế các tác nhân gây kích ứng như thay đổi thời tiết, giữ ấm cho cơ thể, cổ họng khi đi ra ngoài khi trời trở lạnh; Hạn chế ra vào phòng điều hoà hoặc nằm ngủ trong phòng điều hoà nhiệt độ thấp; Che chắn bằng khẩu trang khi đi ngoài được hoặc khi dọn dẹp nhà cửa có nhiều bụi.
2.3. Chế độ ăn uống
Trong khẩu phần ăn hàng ngày không nên ăn quá nhiều đồ cay nóng, đồ chua gây kích thích dạ dày dẫn tới trào ngược và nên bổ sung ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi…
2.4. Luyện tập thể dục thể thao
Tăng cường luyện tập thể dục, thể thao giúp nâng cao sức khoẻ, phòng tránh sự xâm nhập của virus, vi khuẩn có hại cho đường hô hấp.
2.5. Tiêm vắc xin phòng cúm
Bạn nên tiêm vắc xin phòng bệnh cúm, giúp ngăn ngừa các virus, vi khuẩn gây hại cho đường hô hấp hoặc viêm phổi…
Trên đây là những thông tin về nguyên nhân cũng như biện pháp phòng ngừa khi bạn bị ho dai dẳng, bạn có thể tham khảo để có cơ sở cho những triệu chứng ho mà mình mắc phải. Nếu tình trạng ho kéo dài lâu ngày không khỏi, bạn nên đến các cơ sở y tế để chữa trị đúng cách và dứt điểm.