Viêm phế quản mạn tính là bệnh lý nguy hiểm có thể gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Vậy các dấu hiệu bị bệnh viêm phế quản mạn tính là gì? Chẩn đoán và điều trị bệnh như thế nào để giảm thiểu các biến chứng. Mời bạn tham khảo các thông tin trong bài viết này.
Mục lục
Tìm hiểu bệnh viêm phế quản mạn tính
Bệnh viêm phế quản chia làm 2 cấp độ là viêm phế quản cấp và viêm phế quản mạn tính. Nếu như viêm phế quản cấp tính có thể tự khỏi sau khoảng 1 tuần điều trị, ít để lại di chứng thì bệnh viêm phế quản mạn tính lại được đánh giá là bệnh lý nguy hiểm, có thể gây biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.
Viêm phế quản mạn tính là gì?
Viêm phế quản mạn tính là một dạng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Bệnh viêm phế quản mạn tính xảy ra khi lớp niêm mạc ống phế quản bị viêm nhiễm nặng trong thời gian dài mà không được điều trị, khiến lượng chất nhầy trong các đường dẫn không khí ra vào khỏi phổi tiết ra nhiều hơn. Khi đó không khí sẽ gặp khó khăn khi di chuyển ra, vào phổi, gây ra tình trạng khó thở và ho dữ dội, kèm theo đờm đặc.
Viêm phế quản mạn tính là bệnh lý vô cùng nguy hiểm, thường hay tái đi tái lại nhiều lần trong năm, mỗi đợt tái phát có thể kéo dài từ vài tuần cho đến vài tháng. Nếu bệnh nhân chủ quan, không chủ động điều trị sẽ khiến bệnh ngày càng diễn tiến nặng hơn, lượng chất nhầy trong phổi tiết ra nhiều hơn có thể gây tắc nghẽn phổi.
Những người có nguy cơ cao bị viêm phế quản mạn tính
Theo các chuyên gia y tế, bệnh viêm phế quản mạn tính là bệnh lý rất phổ biến tại Việt Nam, gặp trên hầu hết các độ tuổi, trong đó nhiều nhất là ở người cao tuổi, người có sức đề kháng yếu, người nghiện thuốc lá.
- Người nghiện hút thuốc lá, thuốc lào hoặc thường xuyên sống trong môi trường có khói thuốc lá: Theo số liệu thống kê, có tới hơn 90% bệnh nhân viêm phế quản mạn tính có tiền sử hút thuốc lá chủ động hoặc hút thuốc lá thụ động. Trong khói thuốc lá có chứa các hoạt chất làm triệt tiêu lông mao trong phổi, làm tổn thương phổi trầm trọng.
- Người có sức đề kháng yếu hoặc có tiền sử mắc các bệnh lý nền mạn tính khác khiến hệ thống miễn dịch suy yếu, người thiếu hụt kháng thể IgA, người có cơ địa dị ứng,… cũng rất dễ bị viêm phế quản mạn tính.
- Người thường xuyên làm việc trong môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi độc hại, môi trường nhiều bụi SO2, NO2, khí hậu nồm ẩm cũng có nguy cơ cao bị bệnh viêm phế quản mạn tính.
- Người cao tuổi có sức đề kháng yếu, có nguy cơ nhiễm trùng cao cũng là đối tượng dễ bị viêm phế quản mạn tính.
Biến chứng nguy hiểm khi bị viêm phế quản mạn tính
Bệnh viêm phế quản mạn tính nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm:
- Bội nhiễm phổi: Bệnh viêm phế quản mạn tính nếu kéo dài càng lâu, bệnh càng diễn tiến nặng gây nên bệnh viêm phổi thùy, áp xe phổi, lao phổi.
- Biến chứng giãn phế quản
- Biến chứng suy hô hấp cấp.
- Biến chứng suy tim phải.
- Biến chứng bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD
Ngoài ra người bệnh còn luôn cảm thấy mệt mỏi, sụt cân, tim đập nhanh, suy nhược cơ thể.
Biểu hiện của bệnh viêm phế quản mạn tính
Các biểu hiện lâm sàng của bệnh viêm phế quản mạn tính tùy thuộc vào từng giai đoạn tiến triển của bệnh.
Biểu hiện của bệnh viêm phế quản mạn tính đơn thuần
Triệu chứng chính ở giai đoạn này là ho và khạc đờm, đặc biệt là vào buổi sáng sau khi ngủ dậy.
- Ho dai dẳng kéo dài: Đầu tiên người bệnh sẽ bị ho khan, ho theo từng cơn và từng đợt. Mỗi đợt ho kéo dài từ một đến vài tuần. Một năm sẽ thấy xuất hiện khoảng 5 – 6 đợt ho. Bệnh càng lâu, các đợt ho càng nhiều, đặc biệt ho nhiều vào mỗi buổi sáng, khi thời tiết chuyển lạnh hoặc thời điểm giao mùa.
- Khạc đờm: Khi ho sẽ kèm theo triệu chứng khạc đờm nhầy, đờm màu trong hoặc vàng đục (khi có bội nhiễm). Bệnh càng kéo dài lâu, khối lượng đờm khạc ra càng nhiều, có thể lên tới 100ml mỗi lần khạc, đờm đặc hơn.
Bên cạnh đó có kèm theo một số dấu hiệu khác như ớn lạnh, mệt mỏi, sốt, đau đầu, đau rát họng,… Ở giai đoạn viêm phế quản mạn tính đơn thuần này, nếu được điều trị tích cực bệnh có thể khỏi. Tuy nhiên nếu không phát hiện và điều trị sớm, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn viêm phế quản mạn tính tắc nghẽn.
Biểu hiện của bệnh viêm phế quản mạn tính tắc nghẽn
Các biểu hiện chính ở giai đoạn này là ho đờm nhiều, thời gian của mỗi đợt ho kéo dài hơn có thể lên tới 4 tuần, khó thở và thở khò khè do số lượng đờm ngày càng tăng lên, niêm mạc phế quản bị phù nề. Người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, thiếu dưỡng khí, sốt, khạc đờm có mủ, có thể sụt cân do ăn uống và ngủ nghỉ kém, tình trạng khó thở càng nghiêm trọng hơn.
Nguyên nhân bệnh viêm phế quản mạn tính
Bệnh viêm phế quản mạn tính do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó nguyên nhân chính là do suy giảm sức đề kháng của cơ thể khiến vi khuẩn, virus dễ dàng tấn công và gây bệnh. Bên cạnh đó còn có nhiều yếu tố thuận lợi gây lên bệnh viêm phế quản mạn tính bao gồm:
Viêm phế quản mạn tính do hút thuốc lá
Hút thuốc lá, hút thuốc lào chủ động hay thụ động cũng làm tăng nguy cơ bị bệnh viêm phế quản mạn tính. Theo thống kê, có tới 90% người bệnh viêm phế quản mạn có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào hoặc sống trong môi trường có nhiều người hút thuốc.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khói thuốc lá khi vào cơ thể sẽ làm tiêu diệt lông mao bên trong phổi, gây tổn thương nghiêm trọng. Những tổn thương này nếu kéo dài sẽ khiến bệnh viêm phế quản mạn diễn tiến nguy hiểm hơn. Bệnh sẽ thường xuất hiện sau độ tuổi 50, do sự tích tụ của khói thuốc lá.
Viêm phế quản mạn tính do tiếp xúc với khói bụi, môi trường ô nhiễm
Những người sống trong môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi như khói công nghiệp, khói bếp, bụi NO2, bụi HO2; người làm việc trong môi trường độc hại,… có nguy cơ cao bị viêm phế quản mạn tính. Thường xuyên hít phải bụi hay các chất độc hại sẽ gây kích thích đến phổi và gây hại cho phổi.
Viêm phế quản mãn tính do sức đề kháng kém
Những đối tượng có sức đề kháng kém như người già, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, phụ nữ mang thai hoặc những người có bệnh lý nền mãn tính khiến hệ miễn dịch suy giảm cũng rất dễ bị viêm phế quản mạn tính.
Sức đề kháng kém khiến cơ thể dễ bị virus và vi khuẩn xâm nhập, sinh sôi phát triển gây bệnh.
Ngoài ra những người có tiền sử bị trào ngược dạ dày hoặc mắc các bệnh lý về đường hô hấp cũng dễ bị viêm phế quản mạn.
Kỹ thuật chẩn đoán viêm phế quản mạn tính
Bệnh viêm phế quản mạn tính có biểu hiện gần giống với một số bệnh lý đường hô hấp khác như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản, lao phổi,… do đó cần đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán bệnh chính xác.
Khi vào khám bệnh, các bác sĩ sẽ kiểm tra lâm sàng các biểu hiện, sử dụng ống nghe để kiểm tra phổi khi thở, sau đó sẽ có các chỉ định xét nghiệm cần thiết như:
- Chụp X-quang phổi: Dựa vào phim chụp X quang sẽ xác định được bạn có bị viêm phổi hay một bệnh lý nào khác liên quan đến phổi gây ra tình trạng ho hay không.
- Xét nghiệm đờm: Kiểm tra, phân tích xem bạn có bị ho gà hay bệnh lý nào khác không hoặc cũng có thể là tìm các dấu hiệu dị ứng trước khi kê thuốc uống.
- Kiểm tra chức năng phổi: Kiểm tra xem bạn có các dấu hiệu của bệnh hen hay bệnh khí phế thũng hay không.
Điều trị bệnh viêm phế quản mạn tính
Phương pháp điều trị bệnh viêm phế quản mạn tính phụ thuộc vào lúc chẩn đoán bệnh. Tùy theo tình trạng của bệnh mà sẽ có phương pháp điều trị khác nhau. Trong đó các phương pháp điều trị chính bao gồm:
Điều trị nội khoa bệnh viêm phế quản mạn tính
Một số loại thuốc được sử dụng để điều trị nội khoa cho bệnh viêm phế quản đó là thuốc giãn phế quản và thuốc chống viêm.
- Thuốc giãn phế quản: Được sử dụng dưới dạng thuốc hít, có tác dụng làm thông thoáng đường thở, giúp bệnh nhân dễ thở hơn.
- Thuốc chống viêm: Có tác dụng giảm viêm, sưng tấy tại đường dẫn khí, giảm tình trạng khó thở cho bệnh nhân.
Các loại thuốc điều trị nội khoa cho bệnh nhân viêm phế quản mạn tính cần được chỉ định của bác sĩ. Không tự ý sử dụng thuốc nếu chưa được kê đơn.
Liệu pháp oxy cho người bệnh viêm phế quản mạn tính
Liệu pháp oxy được sử dụng cho trường hợp bệnh viêm phế quản mạn đã bước vào giai đoạn nghiêm trọng hơn như có biểu hiện suy hô hấp, nồng độ oxy trong máu hạ thấp. Tùy vào mức độ nguy hiểm mà các bác sĩ sẽ cân nhắc có sử dụng máy trợ thở hay không.
Phẫu thuật khi bị viêm phế quản mạn tính
Trong trường hợp điều trị nội khoa và liệu pháp oxy không mang lại hiệu quả, khi đó các bác sĩ sẽ cân nhắc phương pháp phẫu thuật ghép phổi hoặc thu nhỏ phổi giúp loại bỏ các tổn thương cho người bệnh. Phương pháp này đòi hỏi trang thiết bị y tế hiện tại, đội ngũ y bác sĩ có tay nghề cao, do đó cần được tiến hành ở các bệnh viện chuyên khoa lớn.
Ngoài ra, người bệnh còn được thực hành các phương pháp phục hồi chức năng phổi là các bài tập về hô hấp, bài tập thể dục nhẹ nhàng giúp nâng cao thể lực và hỗ trợ quá trình thở tốt hơn, dễ thở hơn.
Những lưu ý cho người bệnh viêm phế quản mạn tính
Khi bị viêm phế quản mạn tính, ngoài việc tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, người bệnh cũng nên cải thiện lối sinh hoạt, thay đổi chế độ ăn giúp tình trạng bệnh cải thiện hơn.
Theo các bác sĩ, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng đối với người bị bệnh viêm phế quản.
- Bệnh nhân viêm phế quản mạn tính nên ăn nhiều loại rau xanh và trái cây để bổ sung nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể.
- Bổ sung các loại hạt, ngũ cốc.
- Nên bổ sung vitamin từ các loại thịt gia cầm, một số loại đậu,…
- Uống các loại sữa ít béo.
- Không nên ăn thức ăn quá mặn hoặc quá ngọt,…
- Tránh những loại đồ uống có ga.
- Hạn chế ăn thịt đỏ và một số loại thực phẩm chế biến sẵn để tránh nguy cơ khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn.
- Không nên ăn những món ăn chiên xào, chứa nhiều dầu mỡ để tránh tình trạng đầy hơi, khiến người bệnh càng thêm khó chịu. Đồng thời cũng nên tránh các chế phẩm từ sữa như phô mai vì những thực phẩm này có thể khiến tăng sản xuất chất nhầy, khiến đờm đặc hơn.
Phòng bệnh viêm phế quản mạn tính
Để phòng tránh và giảm nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản mãn tính, ngay từ bây giờ, mọi người cần lưu ý những điều sau:
- Bỏ hút thuốc lá: Thuốc là được xem là một trong những tác nhân nguy hiểm gây ra bệnh viêm phế quản mãn tính nói riêng, và các bệnh lý về phổi nói chung, dẫn đến suy giảm chức năng của hệ hô hấp và thậm chí là ung thư phổi. Từ bỏ thói quen hút thuốc lá không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe cho bản thân bạn, mà cả những người xung quanh. Bởi những người hút thuốc lá thụ động cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
- Thường xuyên đeo khẩu trang, đồ bảo hộ khi tiếp xúc hoặc làm việc trong môi trường ô nhiễm, khói bụi để tránh nguy cơ xâm nhập của những tác nhân gây hại đến đường hô hấp.
- Thường xuyên rửa tay đúng cách bằng xà phòng diệt khuẩn; vệ sinh đường hô hấp (nhỏ mũi, súc họng…) bằng nước muối sinh lý; vệ sinh sạch sẽ nở ở, hạn chế tối đa bụi bẩn gây ảnh hưởng đến đường hô hấp.
- Tiêm vắc xin phòng bệnh viêm phổi, tiêm vắc xin cúm, vắc-xin ho gà… cũng là phương cách hữu hiệu giúp bảo vệ cơ thể khỏi một số bệnh về đường hô hấp, trong đó có bệnh viêm phế quản mãn tính.
Viêm phế quản mạn tính là bệnh lý đường hô hấp nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe, do đó người bệnh không nên chủ quan khi thấy các triệu chứng của bệnh. Mọi thông tin trong bài viết trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Khi thấy bất kỳ thay đổi bất thường nào về sức khỏe, bạn nên đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị.
Xem thêm các bài viết hữu ích khác tại: https://bophenamha.vn/