Ho kéo dài là nỗi ám ảnh với nhiều người, đặc biệt là khi thời tiết thay đổi hay những người có đường hô hấp kém. Qua bài viết bài chúng tôi sẽ cung cấp những thông tin hữu ích về nguyên nhân và cách điều trị ho kéo dài.
Mục lục
1. Ho kéo dài là gì?
Ho là phản ứng sinh lý tự nhiên để bảo vệ cơ thể khi có các vật lạ xâm nhập gây kích thích đường hô hấp. Tuy nhiên, khi tình trạng ho kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến hệ thống hô hấp và cảnh báo có thể liên quan đến bệnh lý nguy hiểm.
Ho kéo dài là hiện tượng người bệnh bị ho trong một thời gian dài hơn 3 tuần mà không khỏi, hoặc không có dấu hiệu thuyên giảm. Tình trạng này kéo dài lâu ngày có thể do các kích thích từ bên ngoài hoặc do các bệnh lý nguy hiểm tại đường hô hấp.
2. Chẩn đoán nguyên nhân ho kéo dài
Ho là phản xạ rất thường gặp nhưng không phải lúc nào cũng có hại mà nó còn là phản xạ quan trọng giúp loại bỏ các chất độc hại, các dị vật và nhiễm khuẩn từ đường thở. Ho kéo dài là biểu hiện của bệnh lý không chỉ tại cơ quan hô hấp và còn do nhiều cơ quan khác gây ra. Vì vậy tìm hiểu nguyên nhân gây ho kéo dài, để chẩn đoán bệnh chính xác.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ho kéo dài
2.1. Chẩn đoán xác định ho kéo dài
Thông thường ho sẽ ngừng hoặc cải thiện đáng kể trong vòng 2 tuần gọi là ho cấp tính.
Nếu ho kéo dài và giảm tình trạng ho trong khoảng từ 3 – 8 tuần thì gọi là ho bán cấp.
Trường hợp ho dai dẳng kéo dài trên 8 tuần được chẩn đoán là ho mạn tính.
2.2. Chẩn đoán nguyên nhân ho kéo dài
- Bệnh lý đường hô hấp trên
Đây là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng ho kéo dài, các bệnh lý thường gặp gồm: viêm mũi vận mạch, viêm xoang, polyp mũi…
- Hen phế quản
Cũng là nguyên nhân thường gặp gây ho mạn tính, xuất hiện ho nhiều hơn vào nửa đêm về sáng, khi thay đổi thời tiết hoặc tiếp xúc với bụi, nấm mốc, không khí khô, phấn hoa, lông động vật…
Người bị ho kéo dài do hen phế quản gặp các triệu chứng kèm theo như: khò khè, khó thở, nặng ngực…
- Trào ngược dạ dày – thực quản
Đây là nguyên nhân thường gặp, triệu chứng ho tăng lên khi nằm và vào lúc đói. Kèm theo đó là một số dấu hiệu như nóng rát sau xương ức, có vị chua ở miệng, ợ chua, ợ nóng, đau ngực, đau họng, ho xuất hiện nhiều về đêm…
- Nhiễm trùng đường hô hấp
Có một số trường hợp bị nhiễm trùng đường hô hấp gây ra ho kéo dài trên 8 tuần, ngay cả khi đã sử dụng kháng sinh có hiệu quả. Khi ho có thể ra kèm máu tươi, kém ăn sụt cân, mệt mỏi, đau ngực, nặng hơn nữa có thể gây khó thở.
- Sử dụng thuốc chẹn thụ thể angiotensin
Ho kéo dài là biểu hiện gặp ở khoảng 15% các trường hợp dùng thuốc chẹn thụ thể angiotensin, đây là một nhóm các thuốc có tác dụng làm giãn mạch máu và được dùng trong điều trị bệnh tăng huyết áp, suy tim hoặc bệnh thận ở người bị đái tháo đường.
- Lao phổi
Ngoài triệu chứng ho kéo dài thì lao phổi còn kèm theo tức ngực, khó thở, ho ra máu, sụt cân…
- Phổi tắc nghẽn mạn tính
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường liên quan đến việc hút nhiều thuốc. Người mắc có các triệu chứng như ho dai dẳng kéo dài, khó thở, thở khò khè, ho nhiều vào buổi sáng sớm.
- Giãn phế quản
Đây là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng ho đờm mạn tính, số lượng đờm nhiều và có thể kèm ho ra máu. Bệnh thường là di chứng của bệnh lao phổi đã điều trị khỏi trước đó.
Giãn phế quản là nguyên nhân dẫn đến ho kéo dài
- Ung thư phổi
Theo nghiên cứu, có đến 65% bệnh nhân ung thư phổi có biểu hiện ho mạn tính. Triệu chứng rõ nhất đó là ho kéo dài kèm theo dịch nhầy màu hồng hoặc đỏ nâu, tức ngực và đau khi nuốt.
Ngoài các nguyên nhân chủ yếu kể trên, còn có một số nguyên nhân khác gây ra ho kéo dài như: viêm phổi tăng bạch cầu ái toan, dị dạng động tĩnh mạch phổi, nguyên sụn khí, phì đại amidan, tăng cảm thanh quản…
2.3. Tiếp cận chẩn đoán ho kéo dài
Các trường hợp bị ho kéo dài sẽ được tiến hành:
– Khai thác tiền sử dùng thuốc ức chế men chuyển.
– Khám phát hiện các bệnh lý về đường hô hấp trên.
– Tiến hành các bước thăm dò phát hiện bệnh:
+ Hen phế quản.
+ Lao phổi, lao nội phế quản, giãn phế quản.
+ Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ,trào ngược dạ dày thực quản
Khi không rõ chẩn đoán, bác sĩ chuyên khoa có thể tiến hành làm thêm một số thăm dò như: test kích thích phế quản (methacholine test), đo pH thực quản.
Trong trường hợp vẫn còn chưa rõ chẩn đoán, bác sĩ có thể tiến hành điều trị thử với hỗn hợp thuốc kháng histamin – co mạch trong 1-2 tuần.
3. Cách điều trị ho kéo dài
Rất nhiều người bệnh xem nhẹ triệu chứng ho dai dẳng, nghĩ rằng bệnh sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, cần cẩn trọng vì có thể đây là triệu chứng ban đầu của một số bệnh lý nguy hiểm. Do đó, cần đến cơ sở y tế chuyên khoa khám, chẩn đoán để bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị ho kéo dài phù hợp.
3.1. Điều trị ho kéo dài bằng điều trị nguyên nhân gây bệnh
- Điều trị nguyên nhân bệnh lý đường hô hấp trên
– Trường hợp do viêm mũi, xoang dị ứng, viêm mũi vận mạch: Xịt rửa mũi ngày 2-4 lần với dung dịch rửa mũi (natri clorua 0,9%, Vesim hoặc sterimar), sau đó dùng corticoid xịt mũi (budesonid hoặc flixonase) liều 1-2 xịt cho mỗi bên mũi x 2 lần/ngày. Hoặc có thể dùng nang Budesonide pha với 5 ml dung dịch Natriclorua 0,9%, bơm nhẹ nhàng vào mũi, kết hợp thay đổi tư thế bao gồm: nằm nghiêng 1 bên, nằm ngửa.
– Polyp mũi: Tiến hành phẫu thuật cắt bỏ polyp.
- Hen phế quản
Hiện nay thường hay dùng kết hợp thuốc điều trị duy trì (Fluticasone/salmeterol; Budesonide/formoterol) với 1 thuốc cắt cơn (Salbutamol, Terbutaline). Tuy nhiên, bác sĩ có thể thay đổi liều thuốc điều trị theo diễn biến của bệnh. Bên cạnh việc dùng thuốc, cần tránh các yếu tố nguy cơ như: không nuôi chó, mèo, tránh khói thuốc lá, thuốc lào, bếp than…
- Trào ngược dạ dày – thực quản.
– Tuyệt đối tránh các yếu tố nguy cơ như không hút thuốc, tránh đồ uống có cồn, giảm cân, tránh đồ ăn mỡ.
– Dùng thuốc ức chế bơm proton: Omeprazol 20 mg/ngày, Esomeprazol 40 mg/ngày; dùng liên tục trong 10 ngày.
– Thuốc khác: Metoclopramid viên 10 mg x 4 viên/ngày, chia 4 lần, uống trước ăn 30 phút. Thời gian dùng thuốc: 2 tuần.
Dùng thuốc ức chế để điều trị ho kéo dài
- Ho do dùng thuốc chẹn thụ thể Angiotensin
Dừng thuốc chẹn thụ thể Angiotensin. Ho thường hết sau ngừng thuốc 1 – 6 tuần.
Bảng tóm tắt điều trị ho
Nguyên nhân ho | Điều trị |
Điều trị theo nguyên nhân gây ho | |
Hen phế quản | Thuốc giãn phế quản và corticoid dạng hít |
Viêm phế quản tăng bạch cầu ái toan
|
Hít corticosteroid; thuốc khángleukotrien |
Viêm mũi dị ứng | Thuốc steroid xịt mũi, kháng histamin |
Hội chứng trào ngược dạ dày thực quản | Thuốc ức chế bơm proton hoặc kháng histamin H2 |
Ho do thuốc ức chế men chuyển | Dừng thuốc và thay sang nhóm khác |
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính | Ngừng hút thuốc và tiếp xúc khói, bụi.
Điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. |
Giãn phế quản | Dẫn lưu tư thế |
Viêm khí phế quản nhiễm khuẩn | Điều trị các đợt nhiễm trùng và rối loạn thông khí tắc nghẽn (nếu có)
Kháng sinh phù hợp |
Điều trị triệu chứng (chỉ dùng sau khi đã tìm và điều trị nguyên nhân đầy đủ) | |
Ho do viêm phế quản cấp do virus | Dùng thuốc bổ phế dạng sirô |
Ho kéo dài, đặc biệt xuất hiện về đêm | Opiat và các chế phẩm |
Ho kéo dài, khó điều trị, do bệnh lý ác tính | Các opiat (morphine hoặc diamorphine) Thuốc giảm ho dạng khí dung tại chỗ |
3.2. Các điều trị ho kéo dài không đặc hiệu
- Chỉ định điều trị
– Ho quá nhiều, không cầm được, gây mệt nhiều cho bệnh nhân ở những trường hợp ho chưa xác định rõ nguyên nhân.
– Có một số trường hợp đã xác định được nguyên nhân như ung thư phổi, viêm phế quản, viêm phổi kẽ nhưng không có rối loạn thông khí tắc nghẽn.
– Bệnh nhân đang có ho máu.
– Không nên sử dụng thuốc giảm ho dai dẳng cho những bệnh nhân đang có nhiễm trùng đường hô hấp dưới, với những trường hợp này bệnh nhân cần được ho để thải đờm ra ngoài.
- Thuốc điều trị:
– Thuốc ho tác dụng lên trung ương:
Morphin và các chế phẩm chỉ định ở bệnh nhân kéo dài do ung thư phổi: có thể dùng morphin 5mg/lần x 2lần/ngày, dùng trong 2-3 ngày. Hoặc terpin codein (5 mg codeine) x 4 viên/ngày x 5-7 ngày.
Dextromethorphan: liều dùng 30mg/lần x 3 lần/ngày x 5-7 ngày.
– Thuốc ho tác dụng tại chỗ.
Corticoid dạng phun hít: có thể dùng liều nhỏ corticoid dạng hít: budesonid, fluticasone,..(hoặc dạng kết hợp: salmeterol/ fluticasone; budesonide/ formoterol) liều 250-500 mcg/ngày x 10 ngày.
Lidocaine: có thể dùng tạm thời trong trường hợp ho nhiều, pha 2 ml lidocaine với 3 ml dung dịch natri clorua 0,9%, khí dung.
Bài viết trên đã cung cấp những kiến thức về chẩn đoán nguyên nhân và điều trị ho kéo dài hiệu quả. Nếu tình trạng ho dai dẳng trên 3 tuần không có dấu hiệu thuyên giảm, bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được điều trị ngay và không được phép tự ý mua thuốc trên về sử dụng. Bên cạnh đó, tích cực luyện tập thể dục thể thao, ăn uống hợp lý để tạo môi trường lành mạnh, phòng bệnh lâu dài.